Thứ bảy, 16/11/2024
Thứ tư, 26/12/2018, 03:00 (GMT+7)

10 cách để buộc bản thân tiết kiệm thành công

Những mẹo sau có thể là lời giải cho tình cảnh bạn cố gắng tiết kiệm nhưng mãi không thành công.

Gửi tiết kiệm tự động

Hầu hết ngân hàng đều cung cấp dịch vụ tiết kiệm tự động. Bạn chỉ cần chọn mức tiền và ngày gửi. Đến ngày đã chọn hàng tháng, ngân hàng sẽ tự động rút số tiền đó từ tài khoản của bạn để chuyển sang tài khoản tiết kiệm.

Tiết kiệm tự động là cách hữu hiệu để dự trù quỹ tiết kiệm và quỹ tiêu xài mỗi tháng cho bản thân. Nếu để tiền trong tài khoản thông thường, bạn hoàn toàn có khả năng chi tiêu quá mức. Ảnh: Matt Cardy

Dọn sạch ví mỗi cuối tuần

Mẹo này không có nghĩa là bạn phải tiêu hết tiền trong ví vào ngày chủ Nhật. Thay vào đó, hãy dọn dẹp lại ví mỗi cuối tuần, lấy đi hết các tờ tiền mệnh giá nhỏ. Sau đó, bỏ tiền mệnh giá nhỏ vào một hộp tiết kiệm đựng riêng. Qua thời gian, bạn sẽ có một số tiền nho nhỏ theo cách tiết kiệm rất truyền thống này. Ảnh: iStock

Vờ như không được tăng lương

Nếu được tăng lương, thưởng thì đừng lập tức điều chỉnh lối sống. Thay vào đó, giữ kế hoạch chi tiêu không mấy thay đổi như bạn chưa được tăng lương và dùng số tiền tăng để tiết kiệm. Bằng cách này, bạn sẽ thoát khỏi nguy cơ chi tiêu sa đà và thêm nợ vì cảm giác có nhiều tiền. Ảnh: iStock

Giữ ngân sách trả nợ cả khi hết nợ

Một cách tiết kiệm khác là sống như bạn vẫn còn nợ dù đã thanh toán xong khoản vay cuối cùng. Với ngân sách hàng tháng vốn dành trả nợ, bạn hãy gửi vào tiết kiệm. Bạn đã sống được qua thời gian nợ, với khả năng trích ra số tiền đó, thì hãy tiếp tục duy trì nếu muốn mua chiếc xe mới hay đi chuyến du lịch trong mơ. Ảnh: Kate Hiscock

Thu gom những số tiền bất ngờ

Bạn có thể rất vui khi phát hiện tờ tiền trong túi áo cũ hay trúng thưởng, trúng vé số dù giá trị không lớn. Những số tiền bất ngờ này nếu không có cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Do đó, hãy cho thẳng vào quỹ tiết kiệm thay vì sử dụng. Ảnh: Andrew Malone

Dùng ứng dụng quản lý chi tiêu

Nếu bạn có điện thoại thông minh, hãy tải về một ứng dụng quản lý chi tiêu, vốn đang có rất nhiều lựa chọn. Đây là cách ghi lại nhật ký chi tiêu và quản lý dòng tiền một cách trực quan và cụ thể. Ảnh: iStock

Tạo rào cản giữa bạn và tiền tiết kiệm

Tiền tiết kiệm là cứu binh rất tuyệt nếu bạn đang lên cơn thèm mua sắm nhưng không đủ tiền .Việc quá dễ rút tiền tiết kiệm ra có thể khiến mọi kế hoạch dành dụm mau chóng thất bại. Do đó, hãy tạo rào cản giữa bạn và nó. Ví dụ, nếu đang trong cao điểm cần dè xẻn chi tiêu, hãy xóa ứng dụng mobile banking khỏi điện thoại vì nó giúp mọi thao tác rút tiền quá dễ dàng. Bạn cũng nên chọn các kỳ hạn gửi tiết kiệm dài để phải hối tiếc số tiền lãi nếu muốn rút ra sớm. Ảnh: iStock

Dành dụm từ thẻ tín dụng hoàn tiền

Thẻ tín dụng hoàn tiền (cashback) là loại thẻ mà bạn sẽ được hoàn lại một tỷ lệ phần trăm nhất định trên các giao dịch thực hiện qua thẻ đó. Nếu dùng loại thẻ này, đừng đổi ngay số tiền đó sang các đặc quyền ưu đãi khác mà hãy chuyển nó vào tài khoản tiết kiệm. Ảnh: Joe Raedle

Chờ một tuần trước khi mua hàng giá trị

Nếu bạn đang vật lộn để tiết kiệm do tính tiêu tiền bốc đồng, hãy thiết lập cho mình một thời gian chờ trước khi sắm một món hàng giá trị. Hãy trì hoãn một tuần để bạn đủ tỉnh táo xem món hàng có thật sự cần thiết hay là ham muốn nhất thời. Ảnh: Jack Taylor

Không lưu sẵn thông tin thẻ trên máy tính

Thật dễ dàng để mua sắm, nhất là khi các trang thương mại điện tử đã lưu sẵn thông tin thẻ tín dụng của bạn. Không cho phép lưu lại thông tin sẽ bắt buộc bạn mở ví, đọc số và gõ lại thủ công các thông tin. Những bước tưởng chừng nhỏ nhặt này sẽ khiến bạn nghĩ lại rằng món đồ đó nhất thiết phải mua không. Ảnh: Getty

Phiên An (theo Insider)

Gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về kinhdoanh@vnexpress.net