Sự phát triển của ngành công nghiệp "thời trang mỳ ăn liền" (fast fashion) khiến người dân ngày càng tiếp cận được nhiều đồ may sẵn giá rẻ và hợp mốt. Tuy nhiên, nó cũng khiến quần áo bị lãng phí nhiều hơn. Đây không chỉ là vấn đề với trang phục cho người lớn. Hàng năm, hơn 900 triệu tấn quần áo trẻ em đã bị bỏ phí tại các bãi rác thải ở Mỹ. Điều này có nghĩa mỗi trẻ em Mỹ trong độ tuổi 0-11 thải ra 20 kg quần áo.
Trong một lần dọn dẹp, Karina Fedasz - một phụ nữ sống tại California (Mỹ) nhận ra số quần áo con trai mình không thể mặc được nữa đã chất đống chỉ sau 6 tháng. Fedasz cho rằng có lẽ phải có cách mua và sử dụng quần áo khác tiết kiệm hơn. Vì thế, sau khi khảo sát, cô đã phát hiện ra thị trường tiềm năng – lập website cho phép cha mẹ mua quần áo mới từ các nhãn hiệu tên tuổi, sau đó bán lại cho người khác để lấy tiền hoặc phiếu mua hàng.
Việc này sẽ giúp tạo ra một kho đồ “gần như mới”, cho phép nhiều người tiếp cận các sản phẩm cao cấp với mức giá rẻ như Wal-mart hay Target. Thời gian sử dụng những loại này cũng được kéo dài để giảm lãng phí, cô cho biết trên Forbes.
Fedasz đã quyết định đặt tên website là Little Bean Sprout (Giá đỗ nhỏ) “vì trẻ con lớn rất nhanh”. Đối tượng khách hàng của cô là những người có con dưới 6 tuổi. Sau đó, Fedasz hợp tác với Stephanie Arnold - một bà mẹ khác và bắt đầu gây dựng việc kinh doanh. Bằng kinh nghiệm của mình, họ cùng thiết kế giao diện, chiến lược và kế hoạch hoạt động hàng ngày.
Trên website, khách hàng có thể mua đồ mới từ các hãng đối tác của Little Bean Sprout, hoặc bán lại đồ khi không còn dùng đến nữa. Hàng hóa được vận chuyển qua đường bưu điện. Sau khi nhận lại đồ, Little Bean Sprout sẽ kiểm tra, nếu đạt chuẩn, người bán sẽ được nhận 5% tiền mặt tính theo giá mua, trả qua PayPal, hoặc phiếu mua hàng trị giá 15% giá mua. Tuy vậy, ngoài bán lại, khách hàng cũng có thể làm từ thiện. Đây là việc khuyến khích họ cho đi, làm tăng lượng khách hàng cho công ty và giảm lãng phí vải.
Tháng 12/2012, phiên bản thử nghiệm đầu tiên của Little Bean Sprout ra mắt, bản thứ hai hoạt động từ tháng 4/2013. Trung bình mỗi tháng, lượt truy cập của họ tăng tới 64%.
Ý tưởng về mô hình kinh doanh được lấy từ ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Fedasz trước đây làm giám đốc tài chính cho một hãng game. Trong thời gian này, cô từng nghiên cứu thành công của GameStop và nhận thấy họ bán cả các đĩa game mới và game đã qua sử dụng. Người đem đĩa đến bán lại sẽ được nhận tiền hoặc phiếu mua hàng cho lần sau.
Tuy vậy, Fedasz không phải khuyên các bậc phu huynh đừng mua áo mới cho con cái. Cô nói: “Giá trị kinh tế của một vật sẽ không chấm dứt khi bạn ngừng sử dụng”. Hai nhà sáng lập kỳ vọng mỗi sản phẩm được mua tại Little Bean Sprout sẽ qua tay 4 hoặc 5 người dùng trước khi đóng góp cho các quỹ từ thiện.
Khi được hỏi phương châm kinh doanh, Fedasz cho biết cô luôn tư duy như nhân vật cá Dory trong phim hoạt hình “Tìm kiếm Nemo”. Cô cá này có câu cửa miệng là “cứ bơi thôi” để khuyến khích nhân vật chính. Fedasz cho rằng đó là thái độ nên có khi kinh doanh, vì công việc sẽ càng ngày càng vất vả. Muốn duy trì động lực như ban đầu là rất khó, đặc biệt là trước khi thu hút được vốn từ các nhà đầu tư.
Fedasz sẽ hợp tác với các hãng thiết kế tiềm năng, sẵn sàng tạo ra các sản phẩm chất lượng đồng đều và an toàn với môi trường. Cả hai cũng có chiến lược mở rộng ra ngoài Mỹ, như Canada, châu Âu và Australia. Tuy nhiên, họ không có ý định độc chiếm thị trường. Fedasz cho biết: “Chúng tôi đang tập trung xây dựng thương hiệu mạnh. Nếu các hãng khác cũng học tập mô hình này, thì đó cũng là thành công với chúng tôi rồi”.
Hà Thu