Trước khi được bán cho doanh nhân Phạm Đình Nguyên, cư dân duy nhất của thị trấn Buford, ông Don Sammons sống dựa vào nguồn thu duy nhất từ trạm xăng và cửa hàng tiện lợi mang tên Buford Trading Post.
Ông Sammons trong cửa hàng Buford Trading Post. Ảnh: BBC |
Cửa hàng Buford Trading Post được xây dựng từ thế kỷ 19 nhằm phục vụ khách du lịch. Hiện cửa hàng đã được nâng cấp hiện đại hơn và phục vụ cả ngày. Tại đây, du khách tìm thấy rất nhiều vật dụng độc đáo được làm từ những nguyên liệu chỉ có ở địa phương này. Ông Don Sammons phải tự tay làm tất cả mọi thứ từ dọn dẹp nhà cửa, nhà vệ sinh, cửa hàng cho đến cắt cỏ và bảo dưỡng vật dụng. Thỉnh thoảng, ông cũng có thuê nhân viên bán thời gian.
Cửa hàng tiện lợi Buford Trading Post. Ảnh: BBC |
Thị trấn Buford nằm ở độ cao 2.400m, là nơi cao nhất trên Xa lộ Liên tiểu bang 80 trải dài từ New York tới San Francisco. Với vị thế nằm giữa Laramie và Cheyenne, thị trấn hưởng lợi phần lớn từ cư dân của hai địa phương này. Ông Don Sammons cũng cho biết, du khách đến 2 rừng quốc gia nằm cách thị trấn khoảng 6-12 dặm cũng đem lại nguồn thu không nhỏ cho ông.
Tuy nhiên, Sammons cho biết doanh thu thị trấn đã giảm 50% kể từ năm 2009, khi ông kiếm được 1,2 triệu USD. Năm 2010, doanh thu của thị trấn là 700.000 USD, còn năm ngoái xuống 600.000 USD. "Du khách qua đây ít hơn, dù mọi người vẫn mua xăng nhưng sức mua tại cửa hàng tiện ích giảm sút đáng kể", ông Sammons cho biết.
Trạm xăng tại thị trấn Buford. Ảnh: BBC |
Để kích cầu, ông Sammons miễn phí cà phê cho khách lái mô tô qua mua xăng hay thiết kế khu vực tặng quà trong cửa hàng với các món đồ ông yêu thích nhất như thiếp, áo phông ...
Khi được hỏi liệu ông có cảm thấy cô đơn khi quản lý cửa hàng và cả thị trấn này một mình, ông Sammons chia sẻ: "Tôi là một người hướng ngoại và tôi yêu thích công việc này. Khách hàng đến cửa hiệu có thể vui hoặc buồn, nhưng tôi muốn đảm bảo rằng khi họ ra khỏi đây họ cảm thấy vui vẻ hơn khi đến".
Mỗi năm, vào mùa đông, tuyến đường quốc lộ qua thị trấn đều đóng cửa khoảng 20-30 ngày. Điều này cũng có nghĩa là nguồn thu của ông cũng mất đi.
Tuyến đường sắt xuyên lục địa chạy qua thị trấn Buford. Ảnh: MSN |
Buford được thành lập trong thời gian xây dựng tuyến đường xe lửa liên lục địa tại Wyoming. Trước đây, thị trấn từng là nơi dừng chân của nhiều danh nhân nổi tiếng. Người đặc biệt nhất chính là Tướng John Buford, vị anh hùng của nước Mỹ trong thời Nội chiến, người đã dành cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp quân sự Mỹ. Buford đã chỉ huy đội quân khai hoả trong trận Gettysburg và đóng góp trong nhiều trận chiến khác. Thị trấn được đặt tên Buford để vinh danh vị tướng tài ba này.
Ngoài ra, đây cũng là nơi in dấu chân của Tổng thống Ulysses S. Grant, người nổi tiếng với vai trò chỉ huy trong trận Lực Lượng Hợp Nhất (Union Army) đánh bại quân đội Liên minh (Confederate Troops), chấm dứt cuộc Nội chiến kéo dài 4 năm của Mỹ. Franklin Delano Roosevelt, tổng thống thứ 32 của Mỹ cũng đã từng đến đây. Ông nổi tiếng với chương trình cải cách kinh tế (New Deal) và cũng là người khởi xướng kế hoạch xây dựng đường ray xe lửa xuyên lục địa, băng qua thị trấn Buford, Wyoming.
Vị khách không mong muốn cũng nổi tiếng không kém đã từng đến đây là tên cướp Butch Cassidy. Butch Cassidy (Robert Leroy Parker) là một tên cướp tàu khét tiếng của Mỹ, đồng thời cũng là thủ lĩnh băng đảng Wild Bunch gồm 150 tên cướp. Vào thời hoàng kim, thị trấn Buford từng là nạn nhân của trùm cướp khét tiếng này.
Chi 900.000 USD mua thị trấn Buford có 'hớ' không? Vào đây để thảo luận! |
Tuyến Nguyễn (tổng hợp)