Theo ghi nhận của VnExpress, hồi tháng 5, giữa làn sóng đóng cửa khách sạn, chuyển đổi công năng ồ ạt, khách sạn Norfolk (quận 1, TP HCM) quy mô trên 100 phòng dừng hoạt động.
Giữa tháng 6, các khách sạn có sức chứa tới hàng trăm phòng ở "phố Tây" Bùi Viện, đường Bùi Thị Xuân và trục Lê Thánh Tôn - Lý Tự Trọng quận 1 cũng kinh doanh ảm đạm, phải đóng cửa tạm thời. Khu này từng là điểm nóng hút du khách tại TP HCM thì nay vắng khách. Đến tháng 7, khu vực quanh chợ Bến Thành, quận 1 cũng ghi nhận nhiều khách sạn rơi vào cảnh công suất sụt giảm mạnh và thua lỗ trong mùa thấp điểm du lịch.
Báo cáo thị trường dịch vụ lưu trú của Savills Việt Nam cũng cho thấy, trong quý II, công suất khách sạn tại TP HCM giảm 8 điểm phần trăm theo quý. Tình hình hoạt động kém diễn ra ở tất cả phân khúc khách sạn do lượng khách quốc tế đến TP HCM giảm 13% theo quý. Tỷ lệ khách lưu trú qua đêm ở thành phố này chỉ đạt 19%, thấp hơn các điểm đến khác. Thị trường khách sạn chỉ còn dựa vào đón khách công tác với lợi thế là điểm trung chuyển giữa các tỉnh, thành.
Ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam, nhận định sự phục hồi về lượng khách quốc tế của Việt Nam chậm hơn các nước trong khu vực. Theo ông, khách Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai tại Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2023 nhưng chỉ bằng 22% của nửa đầu năm 2019.
Ông Trang Minh Hà, Chủ tịch North Stars Asia, cho biết kinh doanh khách sạn tại TP HCM trong quý II khó khăn hơn quý I. Quý III, khi bước vào mùa mưa, là giai đoạn thấp điểm du lịch của thành phố nên công suất và giá phòng sẽ tiếp tục giảm so với đầu năm. Vì thế, theo ông Hà, đến quý III, lượng khách sạn đóng cửa, dừng hoạt động trong mùa thấp điểm du lịch có thể tăng lên nhằm cắt giảm chi phí khi ế khách.
Ông phân tích, thị trường TP HCM hiện nay phân hóa rõ rệt 2 nhóm khách sạn: thuê để khai thác và chính chủ vận hành. Với nhóm thứ nhất, mức thua lỗ trong quý II, quý III nặng nề, có khả năng họ phải đóng cửa hẳn. Nếu khách sạn do chính chủ khai thác vận hành, việc tạm đóng cửa trong giai đoạn này là quyết định hợp lý, nhằm giảm các chi phí để cầm cự chờ qua mùa thấp điểm hoặc đến khi kinh tế phục hồi sẽ tái xuất.
Chủ tịch North Stars Asia đánh giá, sau đại dịch, kinh tế nhiều khó khăn, sản phẩm du lịch TP HCM nhàm chán, đơn điệu, chính sách visa chưa đột phá kịp thời để hút được nhóm du khách chất lượng, có sức tiêu dùng cao. Để thúc đẩy thị trường du lịch hồi phục, TP HCM cần tăng cường các chương trình thu hút du khách và cạnh tranh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia.
"Hoạt động kinh doanh khách sạn TP HCM chờ đợi tín hiệu lạc quan của kinh tế để có điểm tựa cho quá trình phục hồi. Tuy nhiên, thị trường có thể phải chờ đến cuối năm 2024 mới có tín hiệu tích cực vững chắc hơn", ông Hà dự báo.
Vũ Lê