Chị Hoa, ở quận 3 chia sẻ, cách đây vài tháng chị thấy trên mạng xã hội rao bán máy khử khuẩn ozon, quảng cáo có nhiều tác dụng, có thể khử phần lớn cả chất bảo quản, dư lượng thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật trong rau, thậm chí cả dư lượng hormone tăng trưởng trong thực phẩm. Sản phẩm còn được cam kết bảo hành một năm, có số điện thoại liên hệ rõ ràng, giá bán gần 700.000 đồng.
“Thấy vậy tôi liền nhắn tin để đặt hàng ngay, tuy nhiên sản phẩm giao không được đẹp như trong hình và có xuất xứ Trung Quốc, sử dụng được hơn tháng thì máy trục trặc. Khi đó tôi gọi điện vào số hotline để đổi hàng nhưng không thể liên lạc được. Thời gian gần đây, nhiều thông tin cho rằng sản phẩm này gây độc hại nên tôi không còn dùng nữa”, chị Hoa cho biết.
Cũng mua phải hàng kém chất lượng, Hằng, một nhân viên văn phòng ở quận 7 cho hay, gần đây khi thấy trên mạng rầm rộ bán sản phẩm túi đựng bút hình con cá khá dễ thương và được quảng cáo là hàng Hàn Quốc nên chị đặt ngay. Tuy nhiên, khi nhận sản phẩm chị mới té ngửa là hàng Trung Quốc. Vì đã chuyển tiền trước cho người bán nên chị không thể trả lại hàng.
“Khi nhân viên giao hàng tới, hàng được gói trong hộp nên tôi không để ý. Đến khi lên facebook trao đổi với người bán thì không thấy ai trả lời. Hơn một tuần sau thì trang đó mất tích”, chị Hằng nói.
Chia sẻ với VnExpress, Hạnh, người từng bán các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc cho biết, các sản phẩm này đa phần là lạ, kém chất lượng, chỉ dùng được một lần, nên chủ yếu rao bán trên mạng. Giới buôn hàng này gọi đây là hàng “rác”, thường chỉ bán một lần (bán lướt sóng) nên người mua rất khó có thể trả hàng hay khiếu nại vì khi bán hết đơn hàng họ sẽ đóng ngay trang đó lại và tiếp tục nhập các món hàng khác về bán với những địa chỉ mới.
“Các sản phẩm này có giá vốn rất thấp. Thông thường giá vốn trên giá bán theo tỷ lệ 1/10, thậm chí 1/20. Một ngày, những người bán hàng rác thường bán 100-200 đơn hàng cho một món sản phẩm. Để có doanh thu cao, họ bán nhiều sản phẩm cùng lúc”, Hạnh tiết lộ và cho biết thêm, để khách hàng biết đến sản phẩm, những chủ fanpage bán sản phẩm “rác” thường chi nhiều tiền cho quảng cáo trên facebook và hiệu quả đạt được khá cao.
Cũng khá rành về "hàng rác", Thanh, chủ cửa hàng bán giày dép lớn ở TP HCM cho biết, hiện nay xu hướng bán hàng Trung Quốc ngày càng tràn lan trên mạng xã hội. Đặc biệt, tại Hà Nội người người rủ nhau buôn hàng Trung Quốc. Không những vậy, những cá nhân sành sỏi trong giới buôn hàng Trung Quốc còn mở luôn khóa học mua hàng tận gốc từ thị trường này. Công thức để bán hàng thành công là nắm bắt xu hướng, ý tưởng mới, lạ từ các quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu. Sau đó, truy lùng nguồn hàng nhái bên Trung Quốc và mang về bán tại Việt Nam.
Thông thường nhóm này sẽ có đầu mối lớn ở Trung Quốc để lấy hàng tận gốc với giá rẻ và mang về Việt Nam bán với giá cao. Chẳng hạn như sản phẩm hộp bút hình cá, xuất hiện đầu tiên ở Hàn Quốc, nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc nắm bắt xu hướng rất nhanh và sản xuất với số lượng lớn. Giá gốc sản phẩm này tại Trung Quốc chỉ khoảng 10.000-20.000 đồng, nhưng khi mang về Việt Nam họ bán với giá 120.000-150.000 đồng.
Để tránh rước bực vào thân khi mua phải sản phẩm “rác” có xuất xứ Trung Quốc, Thanh khuyên người tiêu dùng nên chọn mua những sản phẩm có thương hiệu, uy tín và có địa chỉ rõ ràng. Nên yêu cầu người bán cho xem hàng trước khi nhận hàng.
Hồng Châu