Số lượng doanh nghiệp dự đoán thời điểm kinh doanh khởi sắc trở lại sẽ từ nửa sau năm 2022 chiếm 25%, trong đó có tới 41% là doanh nghiệp vừa. Phương án trả lời vào năm 2021 được lựa chọn bởi 22% doanh nghiệp, trong đó nửa đầu năm chiếm 3,5%.
Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp tin rằng doanh thu của năm 2021 khả quan hơn so với năm trước, khi Covid-19 diễn biến phức tạp. Cụ thể, số người chọn có doanh thu dưới 25% đã giảm và người chọn doanh thu 100-125% tăng mạnh.
Sau Covid-19, hơn 20% doanh nghiệp dự đoán phải thay đổi lĩnh vực kinh doanh, nhiều nhất là các công ty lữ hành nội địa (34%) và lữ hành quốc tế (36%). Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trở lại đều thay đổi lượng nhân viên (79%), cơ cấu thị trường khách hàng (73%). Các doanh nghiệp lớn và vừa ở ngành Lữ hành, Ăn uống và Vận chuyển dự đoán có thay đổi về dịch vụ, sản phẩm.
Khảo sát cũng cho thấy 88% doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ giãn thời hạn nộp hoặc giảm thuế. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống mong muốn được giảm giá điện và giá thuê đất, còn doanh nghiệp lữ hành có nhu cầu giảm tiền ký quỹ. Đặc biệt, có tới 91% số người tham gia khảo sát có mong muốn được hỗ trợ tiêm chủng Covid-19 cho người lao động sớm nhất.
Ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng ban Ban Thư ký TAB chia sẻ, năm 2021 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn với ngành du lịch, vì vậy các doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động thực hiện chuyển đổi số, đầu tư các sản phẩm mới để phục hồi trong tương lai. Ngoài ra, việc giữ chân nhân sự cốt cán và liên kết với các đối tác mới cũng có thể đem lại hiệu quả cao.
Khảo sát khả năng chống chịu của doanh nghiệp du lịch trong Covid-19 được thực hiện trong ngày 25/3-11/4/2021, bởi TAB phối hợp cùng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân và Chương trình Du lịch Bền vững Thụy Sĩ. Khảo sát thu hút 432 doanh nghiệp du lịch từ Hà Nội, TP HCM và 16 tỉnh, thành tham gia trả lời. Các doanh nghiệp đến từ các ngành nghề và quy mô khác nhau.
Từ tháng 2/2020, Covid-19 giáng đòn nặng nề khiến khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với 2019. Khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%. Tổng thu du lịch đạt 312.000 tỷ đồng, giảm 58,7% - mức giảm tương đương 19 tỷ USD.
Khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%.
Tuy vậy, nhờ kết quả tích cực trong khống chế dịch bệnh, Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một trong những điểm đến an toàn. Năm 2020, độc giả tạp chí du lịch Condé Nast Traveler bình chọn Việt Nam đứng thứ 9 trong top 20 quốc gia được yêu thích nhất. Tháng 3/2021, CNBC đưa miền Trung Việt Nam vào top 7 điểm đến an toàn sau Covid-19.
Lan Hương