Công ty cổ phần Kinh Đô (mã KDC) thông báo đã thoái toàn bộ 2,7 triệu cổ phiếu, tương đương 18% cổ phần của Công ty thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifood).
Giá vốn đầu tư là hơn 161 tỷ đồng, tương ứng đơn giá đầu tư bình quân 59.600 đồng một cổ phiếu. Khi đầu tư năm 2007, KDC sở hữu 3,7 triệu cổ phiếu, tương đương 24,8% cổ phần. Sau đó, công ty đã bán bớt 1 triệu cổ phiếu.
Theo báo cáo tài chính, mức lỗ từ thương vụ trên là gần 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đại diện phòng phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn Thương Tín, mức lỗ thực tế cao hơn nhiều. Hơn nữa, tổng giá vốn đầu tư không phải 161 tỷ đồng, mà là trên 200 tỷ đồng, vì một số công ty thành viên của KDC cũng nắm giữ cổ phiếu của Nutifood.
Cũng theo đại diện này, việc KDC thoái vốn là điều đã được tiên liệu từ trước. Nguyên nhân là, sau 5 năm góp vốn, cả KDC và Nutifood không đạt được mục đích ban đầu là cùng muốn phát triển dự án bất động sản.
KDC hiện chỉ còn duy nhất dự án Lavenue Crown trên đường Lê Duẩn, quận 1, TP HCM, liên doanh với Công ty cổ phần đầu tư Mayflower (Mỹ) và Công ty quản lý kinh doanh nhà TP HCM. Trong đó, KDC góp 1.050 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào quý III, nhưng hiện khu đất này vẫn chưa có động tĩnh cụ thể. Trong khi đó, Nutifood cũng không có động thái tham gia phát triển dự án bất động sản nào trong suốt thời gian liên minh.
Kinh Đô lấn sân sang dầu ăn và mỳ gói. Ảnh minh họa. |
Không những thế, việc gần đây nhà đầu tư Nhật Bản mua lại 25% cổ phần của Nutifood cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tiếng nói của Kinh Đô. Trong khi đó, Kinh Đô cũng có KIDO chuyên về kem, sữa, nên không nhất thiết phải mở rộng đầu tư sang Nutifood. Đặc biệt, chiến lược phát triển của KDC là thực hiện mua bán, sáp nhập với các công ty thực phẩm có giá trị cao, nên nếu KDC không thể gia tăng “tiếng nói” của mình đối với Nutifood, thì việc rút vốn là một lựa chọn sáng suốt.
Việc thoái vốn của Kinh Đô dù lỗ, nhưng sẽ giúp công ty có thêm khoản tiền cho đầu tư mới. Trong năm nay, KDC có kế hoạch chi khoảng 10 triệu USD để đầu tư dây chuyền sản xuất hiện tại. KDC khẳng định, không đầu tư trực tiếp vào dây chuyền sản xuất sản phẩm mới, mà dồn sức xây dựng thương hiệu và thuê ngoài các đối tác chiến lược thực hiện khâu sản xuất.
Tháng 2, KDC liên kết với Tập đoàn Want Want China giới thiệu thành công sản phẩm bánh gạo Sachi (trong đó Want Want China sản xuất và KDC phân phối sản phẩm). Ngoài ra, KDC sẽ chính thức phân phối các sản phẩm của Ezaki Glico (Nhật Bản) vào quý IV tới, gồm những nhãn hàng như Pocky, Pretz, Collon và các sản phẩm khác. Đến năm 2016, KDC dự kiến phân phối 35-40 triệu USD giá trị sản phẩm mỗi năm cho Glico.
KDC sẽ tung ra thị trường sản phẩm dầu ăn và mì gói vào cuối năm nay. Mặc dù chưa tiết lộ cụ thể về chiến lược của hai sản phẩm mới này, nhưng KDC khẳng định sẽ không cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ tầm cỡ, mà sẽ chú tâm vào những phân khúc nhỏ hơn.
(Theo Đầu tư)