Kính thông minh Apple có gì
Theo The Infomation, kính thông minh của Apple thuộc dạng thực tế hỗn hợp (MR) hoặc thực tế mở rộng (XR), có cấu tạo với hệ thống ống kính có thể tự điều chỉnh cùng kích thước nhỏ gọn. Người dùng có thể chuyển đổi trạng thái từ thực tế ảo (VR) sang thực tế tăng cường (AR) chỉ bằng một cú nhấn.
Apple chưa từng xác nhận về việc phát triển kính thông minh. Tuy nhiên, một số nguồn tin rò rỉ cho thấy sản phẩm sẽ giống một chiếc kính trượt tuyết, tích hợp hàng loạt camera hỗ trợ hai chế độ VR và AR. Thiết bị có thể ra mắt cùng với AirPods Pro thế hệ mới với khả năng đồng bộ để tạo thành hệ thống đồng nhất.
Với hệ thống thấu kính bên trong, các thấu kính tự động điều chỉnh nhằm căn chỉnh đồng tử của người đeo với màn hình kính sao cho họ có thể đạt tầm nhìn lớn nhất có thể. Đối với những người bị các vấn đề về mắt như cận thị, viễn thị... sẽ có một bộ phận riêng để gắn mắt kính thông qua nam châm.
Kính thông minh được chờ đợi sẽ là sản phẩm đột phá tiếp theo của Apple dưới "triều đại" Tim Cook, sau Apple Watch ra đời năm 2015. Theo Bloomberg, công ty Mỹ đã phát triển kính này được 7 năm, ban đầu dự định trình làng vào 2019. Sau đó, sản phẩm được cho là đã bắt đầu có một số nguyên mẫu đầu 2022 và lên kế hoạch xuất xưởng cuối năm, nhưng không kịp tiến độ.
Vào tháng 12, Bloomberg cho biết hệ điều hành cho kính thông minh của Apple đã được đổi từ "realityOS" thành "xrOS". Việc đổi thành XR cho thấy kính mới sẽ bao gồm cả tính năng AR và VR.
Cũng trong tháng 12, nhà phân tích Ming-chi Kuo nói kính Apple có thể bị trì hoãn đến nửa cuối 2023 "vì các vấn đề liên quan đến phần mềm". Ông dự đoán công ty chỉ xuất xưởng ít hơn 500.000 sản phẩm do vấn đề về chuỗi cung ứng.
Khó thành sản phẩm ăn khách
Theo Micheal Gartenberg, cựu giám đốc tiếp thị cấp cao của Apple và có kinh nghiệm hơn 20 năm với tư cách là nhà phân tích thị trường tại Gartner, Jupiter Research và Altimeter Group, khi thị trường smartphone đã bão hòa, Apple cần tìm kiếm những thị trường mới cho bước tiến lớn tiếp theo của mình. Hãng từng thành công với Apple Watch, AirPods, nhưng đây đều là các sản phẩm có mối liên kết chặt chẽ với iPhone.
"Chúng giống như món khoai tây chiên và đồ uống bán kèm với bánh mỳ kẹp thịt vậy. Apple đã không tạo hệ sinh thái riêng cho các sản phẩm, thay vào đó là dựa vào hệ sinh thái của iPhone", Gartenberg nêu trên Business Insider.
Gartenberg nói ông hào hứng với các thay đổi của Apple thời gian qua và cả các sản phẩm như xe tự lái nếu ra mắt, nhưng "đặc biệt lo ngại" nếu hãng đặt cược vào kính VR/AR như là một sản phẩm chính tiếp theo. Chuyên gia này nhận thấy nhiều công ty đã nỗ lực ở lĩnh vực này như Microsoft HoloLens và Magic Leap, hay kính VR từ Meta, Valve, Sony và HP.
"Những thứ này chỉ tiếp cận nhóm nhỏ khách hàng là các game thủ hoặc những người thích trải nghiệm công nghệ mới. Sau nhiều năm, chúng chỉ chiếm phần nhỏ trong thị trường", ông nhận định. "Với nhiều mục đích khác, đến nay tôi chưa thấy nó được ứng dụng nhiều".
Theo ông, các yếu tố khiến sản phẩm Apple có thể thất bại là thời lượng pin ngắn - điều mà Google Glass và Snapchat Spectacles đã gặp phải. Các sản phẩm đeo được như Apple Watch hay AirPods đều cho thời gian sử dụng không quá cao so với các đối thủ trên thị trường.
Yếu tố đeo thoải mái trong thời gian dài cũng là rào cản. Đến nay, gần như toàn bộ thiết bị VR/AR đều chỉ đeo trong thời gian ngắn, chưa kể ít ai muốn mang chiếc kính cồng kềnh lên mặt. Ngoài ra, giá bán dự đoán từ 2.000 USD đến 5.000 USD có thể khiến khả năng tiếp cận của kính Apple càng hạn chế.
Tuy nhiên, Gartenberg cho rằng Apple thời gian qua thường không phải là hãng đầu tiên ra mắt một sản phẩm đột phá, nhưng vẫn thành công với hướng đi của mình. "Apple cần có lý do để thuyết phục một lượng lớn người muốn đeo kính. Tôi e rằng công nghệ này khó được áp dụng rộng rãi", ông nói. "Thiết bị Oculus từng được ví là 'phụ kiện trong tủ quần áo' - một chiếc kính được cất giữ hoặc bỏ quên ở đâu đó trong tủ. Apple cần làm nhiều việc để không tạo nên một thứ tương tự".
Bảo Lâm