Sau năm 1975, Hollywood gặp nhiều khó khăn trong quá trình đưa Việt Nam lên màn ảnh, từ kỷ nguyên làm phim về chiến tranh tới thời kỳ né tránh Việt Nam vì cú sốc James Bond 18 bị từ chối. Giờ đây, khi đoàn phim Kong: Skull Island đến Việt Nam và được tạo mọi điều kiện quay phim tốt nhất, nhiều điểm đến ở nơi đây được kỳ vọng trở thành nơi lý tưởng cho bối cảnh các bom tấn giả tưởng Hollywood.
Gần 20 năm ám ảnh chiến tranh
Không lâu sau khi Việt Nam thống nhất vào năm 1975, Hollywood khởi động làm phim về chiến tranh Việt Nam.
Theo IMDb, khoảng 70 phim Hollywood làm về đề tài chiến tranh Việt Nam từ 1975 tới đầu thập niên 1990. Hàng loạt nhà làm phim gạo cội hàng đầu nước Mỹ góp tiếng nói. Francis Ford Coppola (đạo diễn Bố Già) làm Apocalypse Now (1979). Đạo diễn Stanley Kubrick làm Full Metal Jacket (1987). Từng là chiến binh tham chiến ở Việt Nam, đạo diễn Oliver Stone làm bộ ba Platoon (1986), Born on the Fourth of July (1989) và Heaven and Earth (1993).
Mô tả chiến tranh Việt Nam theo góc nhìn của người Mỹ là đề tài nhạy cảm trong thời kỳ cấm vận quan hệ. Mọi đoàn phim Hollywood khi đó không được phép đến Việt Nam ghi hình. Do đó, các nhà làm phim sử dụng những bối cảnh thay thế ở các quốc gia Đông Nam Á có khí hậu, địa hình và con người tương tự Việt Nam. Apocalypse Now và Platoon được quay toàn bộ ở Philippines mặc dù câu chuyện được kể trong rừng Việt Nam. Những trường đoạn về Việt Nam trong Born on the Fourth of July cũng ghi hình ở Philippines.
Đầu năm 1990, Oliver Stone sang Việt Nam để xin phép quay bộ phim thứ ba trong chùm tác phẩm "Vietnam War" - Heaven and Earth. Lúc này, nhà làm phim tâm huyết vừa giành giải Oscar "Đạo diễn xuất sắc" cho bộ phim dành nhiều thiện cảm với người dân Việt Nam - Born on the Fourth of July.
Heaven and Earth kể về số phận của một phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh. Trong kịch bản có vài chi tiết nhạy cảm liên quan đến chiến sĩ cách mạng và được yêu cầu phải cắt. Vì muốn quay phim tại Việt Nam, nhà làm phim chấp nhận sửa kịch bản chứ không cắt. Nhưng, kịch bản phim không được thông qua và Oliver Stone mang Heaven and Earth sang Thái Lan làm giả bối cảnh. Phim có ngân sách 30 triệu USD sau đó không ăn khách ở phòng vé và tạm khép lại trào lưu của các câu chuyện liên quan đến cuộc chiến Việt Nam.
Trước khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ năm 1995, Việt Nam trên màn ảnh Hollywood gắn liền với ám ảnh chiến tranh.
Hơn 10 năm khép cửa sau lần từ chối Bond 18
Từ 1990 tới đầu những năm 2000, ba phim thế giới đến Việt Nam ghi hình đều thuộc dòng nghệ thuật và do các hãng phim Pháp, Anh cũng như Australia sản xuất - Indochine (1992), The Lover (1992) và The Quiet American (2002). Nhờ chùm ba phim này, Việt Nam lần đầu lên màn bạc phương Tây như xứ sở nhiệt đới với nhiều thắng cảnh.
Năm 1995, Việt Nam lần đầu vào mắt xanh của giới làm phim bom tấn qua dự án thứ 18 về James Bond - Tomorrow Never Dies. Trường đoạn hành động kịch tính nhất phim - cảnh Pierce Brosnan và Dương Tử Quỳnh dùng xe phân khối lớn hạ trực thăng - lấy bối cảnh trên đường phố TP HCM. Ngoài ra, một số phân đoạn khác cũng chọn Hạ Long làm bối cảnh.
Sau thời gian dài xin thủ tục, đoàn phim được cấp phép ghi hình ở Việt Nam vào đầu năm 1997. Họ chuẩn bị trong ba tháng, quay ba tuần và dự kiến chi 5 triệu USD cho bối cảnh Việt Nam.
Ngày 1/5/1997, một công điện khẩn từ Cục Điện ảnh gửi tới đoàn phim buộc phải dừng khẩn cấp mọi hoạt động tại Việt Nam. Bộ Văn hóa Việt Nam ra thông cáo, rút lại sự đồng thuận trước đó và cho biết: "Ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam mới ra đời và chưa được trang bị đầy đủ cho một bom tấn có tầm cỡ như Bond". Sự kiện này gây chấn động làng phim châu Á bởi Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới trong lịch sử nói "Không" với James Bond.
Sự rút lời đột ngột khiến đoàn phim 007 phải thay đổi bối cảnh vào phút chót. Nhà sản xuất chuyển mọi bối cảnh sang Thái Lan để thay thế những phân cảnh dự kiến ghi hình ở Việt Nam. Nhờ trường đoạn mạo hiểm xe môtô bay qua nóc trực thăng kinh điển của màn bạc, Thái Lan trở thành điểm đến lý tưởng cho các bom tấn. Ngược lại, Việt Nam mang tai tiếng là đất nước phức tạp về thủ tục hành chính.
Kể từ Bond 18, nhiều phim nước ngoài khác đến với Thái Lan. Theo Cục Điện ảnh Thái Lan, năm 2015 nước này thu được 89 triệu USD từ hoạt động sản xuất của 274 bộ phim nước ngoài, trong đó có 63 phim truyện. Trong khi đó, không đoàn phim nào đến Việt Nam suốt hơn 10 năm, dù Vịnh Hạ Long và nhiều thắng cảnh Việt Nam ngày càng nổi tiếng.
Xứ sở mới cho các bom tấn giả tưởng
5 năm trở lại đây, Việt Nam gây chú ý trở lại với các hãng phim thế giới nhờ cảnh đẹp. Năm 2014, hơn 10 chuyên gia của phim Pan lặng lẽ đến Việt Nam ghi hình trong hai tuần. Hang Én (Quảng Bình), Vịnh Hạ Long và Tràng An (Ninh Bình) sau đó trở thành khung cảnh thần tiên trong bộ phim giả tưởng này. Mặc dù bộ phim không thành công sau khi ra mắt, phân đoạn dài mô tả cảnh hùng vĩ Việt Nam của tác phẩm giả tưởng lôi kéo tiếp các nhà làm phim Hollywood tìm đến Việt Nam.
Tháng 10/2015, đạo diễn Jordan Vogt-Roberts sang Việt Nam và đi dọc từ Bắc vào Nam trong hơn một tháng để khảo sát các bối cảnh cho bom tấn Kong: Skull Island. Sau khi khảo sát, ông phải thốt lên trầm trồ và quyết tâm đưa Việt Nam lên màn ảnh đẹp tầm cỡ như phim Chúa Nhẫn.
Đạo diễn Vogt-Roberts chia sẻ tham vọng:“ Những người đi xem Jurassic Park đều nhớ đến Hawaii, xem Lords of the Rings đều nhớ đến New Zealand bởi những nơi này có cảnh đẹp gây choáng ngợp. Việt Nam có những phong cảnh núi non và hang động đẹp như siêu thực. Tôi chọn làm Kong: Skull Island ở đây bởi muốn Việt Nam hiện lên cũng phải như trong Lord of the Rings. Tôi muốn Việt Nam lên hình sẽ thực sự khác biệt, gây ấn tượng tới nỗi người xem ở các nơi trên thế giới phải trầm trồ hỏi nhau đó là đâu và họ thực sự muốn đến đây sau khi xem phim”.
Hôm 18/2, hơn 120 thành viên đoàn phim Kong: Skull Island cùng 40 tấn thiết bị bao gồm máy bay, các trang thiết bị ghi hình hiện đại và dàn sao nổi tiếng của Hollywood đổ bộ vào Việt Nam. Ngày 22/2, đoàn phim đặt chân đến Quảng Bình để ghi hình những thước phim đầu tiên. Các bối cảnh tiếp theo lên phim gồm Ninh Bình và Quảng Ninh. Các bối cảnh Việt Nam dự kiến là khung cảnh thế giới giả tưởng, quê hương của loài vượn khổng lồ. Đây là bom tấn Hollywood có quy mô lớn nhất từ trước đến nay quay ở Việt Nam.
Kong: Skull Island cũng đánh dấu sự thay đổi cái nhìn của các nhà làm phim thế giới với các nhà quản lý Việt Nam. Ngay từ khi dự án ngỏ lời tới Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã ủng hộ hoạt động này. Thủ tướng chính phủ sau đó chỉ đạo bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông hỗ trợ và hợp tác với đoàn phim trong quá trình làm việc. Sau King Kong, các nhà quản lý Việt Nam đang tích cực quảng bá đất nước như phim trường mới cho thế giới.
Ông Ted Osius, Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam, bày tỏ: "King Kong mở ra chương mới cho Hollywood đến Việt Nam. Sau King Kong, nhiều bom tấn Hollywood khác sẽ đến Việt Nam. Điều này thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ngành công nghiệp phim Việt Nam với ngành điện ảnh hàng đầu thế giới - Hollywood". Ông Osius cũng chia sẻ rằng Việt Nam trên màn ảnh đang đổi khác, không còn là câu chuyện chiến tranh mà là vùng đất của cảnh đẹp và con người trẻ sôi động.
Vũ Văn Việt