* Barca - Bayern: 2h thứ Tư 15/9, giờ Hà Nội.
- Mới 26 tuổi, gương mặt như trẻ thơ khi mỉm cười, trông anh còn trẻ hơn nhiều. Nhưng như chị gái anh từng kể, Kimmich nói chuyện như ông cụ. Anh nói sao về điều này?
- Chị ấy bảo thế vì tôi lúc nào cũng đi ngủ sớm và chỉ thích ở nhà. Tôi cũng thích đi bộ lên núi, vì nó giúp tôi thư giãn đầu óc, giải tỏa tinh thần, để đánh giá mọi thứ thấu đáo hơn.Tôi chưa bao giờ là người nhanh nhất hay mạnh mẽ nhất trên sân. Tôi cũng không phải là cầu thủ tài năng nhất. Vì thế, để đạt được các mục tiêu, tôi luôn phải nỗ lực hơn người khác một chút.
- Vậy anh giỏi nhất điều gì?
- Tuổi thơ của tôi chỉ toàn dành thời gian cho chuyện học và bóng đá, như bao đứa trẻ khác cùng lứa chơi bóng với tôi. Tôi đá bóng khá cừ, nhưng tôi không chắc mình có thật sự giỏi hay không. Mọi thứ chỉ thay đổi khi tôi gia nhập học viện của Stuttgart. Ở đó, tôi nhận ra rằng vẫn còn nhiều cầu thủ khác tài năng hơn tôi. Vì vậy, tôi phải nỗ lực hơn nữa, chăm chỉ hơn nữa. Và đó là những gì tôi đã làm.
- Chỉ vậy thôi à?
- À, và tư duy nhanh hơn nữa. Nếu đã không khỏe nhất cũng không phải tài năng nhất, bạn cần phải khiến cái đầu của mình phải nhảy số nhanh hơn người khác. Đó cũng là thứ cốt lõi để cảm thụ bóng đá, vì nó giúp bạn hạnh phúc với trái bóng và giúp bạn không thấy mệt mỏi khi tập luyện. Tôi đã phải cải thiện bản thân rất nhiều, nhưng nếu không có tình yêu cho bóng đá, tôi sẽ không tài nào làm được.
- Có vẻ như anh rất giàu hoài bão?
Để được thi đấu cho Bayern và tuyển Đức, bạn phải có nhiều tham vọng. Vì những môi trường đó luôn đặt ra sự kỳ vọng và đòi hỏi rất cao. Tuy nhiên, tôi lại thích áp lực. Tôi thích cảm giác mà bản thân lúc nào cũng buộc phải giành chiến thắng. Với Bayern và tuyển Đức, bạn lúc nào cũng phải thắng. Nhưng chính sự kỳ vọng tôi đặt ra cho bản thân mình mới là lớn hơn tất cả những thứ khác từ ngoại cảnh. Áp lực tôi tạo ra cho mình lớn hơn từ tác động của môi trường bên ngoài.
- Tay vợt Naomi Osaka từng nói rằng ở kỳ US Open vừa qua, cô ấy không vui khi chiến thắng, nó chỉ khiến cô như được giải tỏa áp lực. Anh nghĩ sao?
- Tôi cho rằng việc ở một mình sẽ khó mang lại cảm giác hạnh phúc. Tennis là một môn thể thao mang tính cá nhân đơn lẻ, trong khi với bóng đá, tôi có các đồng đội bên cạnh. Chưa kể, một điểm quan trọng khác là chúng ta cần phải phân định các loại áp lực mà một VĐV thể thao dễ mắc phải. Một mặt, đó là áp lực từ dư luận. Mặt khác, là từ tập thể và sự kỳ vọng của chính bản thân.
- Vậy làm cách nào anh đương đầu trước những áp lực từ bên ngoài?
- Trong mọi môn thể thao, anh luôn phải học cách sống chung với áp lực. Vấn đề là, trong bóng đá, một khi đề cập đến một cá nhân nào đó đang phải chịu áp lực, người ta luôn đánh đồng rằng như thế là yếu đuối. Tôi thì không nghĩ như vậy. Vì thế, khi ai đó lên tiếng về vấn đề này, tôi đều cổ vũ họ. Tôi nghĩ một cá nhân hứng chịu áp lực là điều hết sức bình thường. Nhưng vì chủ đề này không được thảo luận, mọi người sẽ cứ mãi nghĩ rằng đã là VĐV thì lúc nào cũng cần phải mạnh mẽ, lúc nào cũng cần phải tự tin.
- Bản thân tự tin hay tỏ ra tự tin trước người khác?
- Cả hai, với tôi, đều quan trọng như nhau. Tự tin vào bản thân giúp anh phát triển, đặc biệt là khi đương đầu với những hoàn cảnh khó khăn. Ví dụ, tôi có thể tìm đến các đồng đội của mình bất kỳ lúc nào. Tôi có thể gọi cho Leon Goretzka hay Serge Gnabry và cùng họ chia sẻ về những nỗi sợ, những lo lắng của bản thân.
- Chuyện đó là thật à?
- Bình thường mà. Thậm chí làm như vậy còn là chìa khóa để tạo nên một tập thể đoàn kết và mạnh mẽ. Họ đều là đồng đội và còn là những người bạn của tôi. Chiến đấu, sát cánh cùng những người bạn, như một tập thể là điều rất quan trọng. Nhưng đương nhiên, bản thân bạn phải có sự phân biệt rạch ròi.
- Phân biệt rạch ròi ở điểm gì?
- Tôi không phải là một chân sút. Không phải lúc nào tôi cũng nghĩ đến việc ghi bàn. Với tôi, có những tiêu chí và thước đó khác quan trọng hơn. Nó liên quan đến cách cả bộ máy vận hành. Tôi thích tung ra một đường chuyền chất lượng. Nhưng tôi muốn chiến thắng, và đó là cái đích một tập thể hướng tới. Nhất là giờ đây, khi các CĐV đã được trở lại SVĐ.
- Phải chăng việc chơi bóng không có khán giả cũng mang lại những điểm tích cực?
Tôi nghĩ khi đó trận đấu trở nên công bằng hơn. Yếu tố cảm xúc ít chen lấn vào. Mọi thứ trở nên yên tĩnh, không có bầu không khí thù địch mà các khán đài có thể tạo ra. Và với những cầu thủ chúng tôi, những người như Thomas Muller hay cá nhân tôi chẳng hạn, chúng tôi thích liên lạc, nói chuyện trên sân với nhau, do đó khi không có khán giả, chúng tôi trao đổi được dễ dàng hơn. Nhưng bóng đá là phải vui, với những cung bậc cảm xúc và chỉ có đám đông mới mang lại điều đó.
- Anh có nói về tầm quan trọng của tình bằng hữu trong bóng đá. Anh có đồng cảm với những than phiền của Ter Stegen về chuyện anh ấy không được ra sân trong màu áo tuyển Đức?
- Dĩ nhiên là tôi hiểu chứ. Mọi cầu thủ đều có tham vọng và hoài bão. Anh ấy là một thủ môn thật sự xuất sắc. Tôi thậm chí còn không nhớ rõ anh ấy đã chơi cho Barca được bao lâu rồi, cũng như đã giành được bao nhiêu danh hiệu Champions League. Vấn đề là chúng tôi còn có Manuel Neuer, thủ môn hay nhất thế giới. Thủ môn là một vị trí kém may mắn: vì chỉ có một cá nhân được ra sân thi đấu. Nếu có một tiền vệ khác xuất sắc hơn tôi, vẫn còn phương án ở hàng hậu vệ như vị trí trung vệ hoặc hậu vệ cánh để tôi có thể vẫn được lựa chọn. Khi còn trẻ, tôi có một lợi thế to lớn là đã được thi đấu ở nhiều vị trí khác nhau. Chính điều đó đã giúp tôi rất nhiều.
- Tại sao lại thế?
- Tôi từng thi đấu ở hàng tiền vệ, tiền đạo cánh lẫn trung vệ. Ở mỗi vị trí, anh đều cần những kỹ năng khác nhau và phải thấu hiểu những mô hình chiến thuật khác nhau. Giờ đây, khi chơi ở hàng tiền vệ, tôi có thể nắm bắt được nhu cầu của các đồng đội trên sân. Nó giúp tôi đọc hiểu trận đấu theo cách toàn cục. HLV Pep Guardiola có vai trò rất quan trọng với sự nghiệp của tôi xét trong khía cạnh đó. Ông ấy luôn đặt ra những yêu cầu cao khi bắt tôi phải biết được vị trí của các đồng đội trong cùng một thời điểm. Bên cạnh đó, lúc tôi đến Bayern, Xabi Alonso vẫn còn là cầu thủ chủ chốt nơi hàng tiền vệ. Nhờ vậy mà tôi đã được dạy bảo để có một tầm nhìn ngoại biên. Muốn được như thế, anh luôn cần đến sự hướng dẫn từ HLV và các đồng đội.
- Ý anh là sao khi nói về "tầm nhìn ngoại biên"?
- Có hai thứ quan trọng anh cần phải lĩnh hội khi chơi ở vị trí tiền vệ. Một là mong muốn của HLV và hai là sự định hướng trên sân. Có nghĩa là lúc nào cũng phải quan sát để nắm bắt vị trí các đồng đội cũng như vị trí của đối thủ; khi nào thì rê dắt bóng, khi nào thì chuyền bóng hướng về phía trước và khi nào thì chuyền bóng ngược về. Thử thách lớn nhất luôn là tìm ra các khoảng trống. Đó cũng là thứ khiến tôi thích thú nhất, vì chỉ cần làm tốt chuyện đó, anh sẽ trở thành một cầu thủ tốt, luôn được các đồng đội tin tưởng.
- Với tư cách một fan của bóng đá Đức, chiến thắng 7-1 trước Brazil hay 8-2 trước Barca ý nghĩa hơn?
- Xét trong ý nghĩa với quốc gia, chiến thắng 7-1 đơn giản là chiến tích phi thường. Nhưng với chúng tôi, tập thể Bayern, chiến thắng 8-2 là điều gì đó hết sức đặc biệt và không chỉ về mặt tỷ số. Ở Đức, thường chỉ có đúng hai thứ – đen và trắng, rất rạch ròi: hoặc anh yêu Bayern, hoặc anh ghét Bayern. Nhưng ngày hôm ấy, một điều gì đó bất thường đã diễn ra: tôi cho rằng tất cả đều muốn chúng tôi giành chiến thắng. Cả ở Đức lẫn ở bình diện châu Âu.
- Vì sao lại thế?
- Vì thứ bóng đá mà chúng tôi đã trình diễn. Từ phong cách, áp lực tạo ra cho đến cường độ chơi bóng. Chúng tôi cũng đã ghi rất nhiều bàn thắng. Thà giành chiến thắng 4-3 còn hơn là thắng chỉ 1-0. Mọi người như thể cùng đứng về phía chúng tôi.
- Hansi Flick đã có dấu ấn rất quan trọng trong chiến tích đó?
Rõ ràng là như vậy.
- Anh chịu ảnh hưởng từ nhiều HLV tên tuổi, như Guardiola, Flick, Ancelotti, và giờ là Nagelsmann. Họ khác nhau thế nào?
- Thời Pep Guardiola dẫn dắt, tôi còn rất trẻ, mới 20 tuổi và lại đến từ giải hạng Nhì. Ông ấy đã chỉ cho tôi cách thi đấu ở nhiều vị trí mà trước đây, tôi từng không bao giờ nghĩ mình sẽ đảm nhiệm, thậm chí tôi còn chả biết vị trí ấy đòi hỏi cách chơi như thế nào. Ông ấy dạy tôi về không gian trên sân mà vốn dĩ trong đầu tôi chưa từng có bất kỳ ý niệm nào. Flick thì lại là một mẫu HLV kiểu khác. Ông ấy xếp tôi cố định một vị trí trong đội hình. Ông ấy là người đáng kính và rất giỏi. Flick trò chuyện thường xuyên với các cầu thủ và luôn yêu cầu chúng tôi phải luôn tôn trọng các thành viên khác trong đội ngũ ban huấn luyện. Nagelsmann thì là một người còn rất trẻ, nhưng đã có rất nhiều kinh nghiệm trong công tác huấn luyện.
- Anh phân tích ra sao về Barca khi không còn Messi?
Khi còn nhỏ, tôi từng xem Barca có Messi là một tham chiếu. Giờ, tôi rất nóng lòng và thích thú muốn xem họ sẽ ra sao khi không còn anh ấy. Barca vẫn có rất nhiều cầu thủ chất lượng trong đội hình. Có những con người còn rất trẻ như Pedri hay De Jong, và cả những cầu thủ giàu kinh nghiệm như Busquets, Depay hay Ter Stegen. Tôi rất nóng lòng đá ở Camp Nou, đây chắc chắn sẽ là một trận đấu thử thách.
- Việc Messi rời Barca có khiến anh bất ngờ?
- Ai mà chẳng bất ngờ chứ, phải không? Giờ thì PSG toàn những cầu thủ hàng top. Nhưng cũng sẽ rất thú vị để xem họ sẽ lắp ghép như thế nào.
- Có phải cả 3 đội bóng gần nhất vô địch Champions League - Liverpool, Bayern và Chelsea - đều đề cao tính tập thể thay vì yếu tố cá nhân trong lối chơi?
- Đúng vậy. Vì thế, tôi rất muốn đối đầu với hai đối thủ kia. Tôi muốn đánh bại họ bằng sức mạnh tập thể của Bayern.
Hoàng Thông (theo El Pais)