Cô liên lạc với anh Hoàng Tuấn Anh - người làm máy "ATM gạo" - hỏi về phương thức hoạt động, khảo sát nhu cầu người dân. Từ sáng sớm, cô cùng tình nguyện viên vận chuyển các bao gạo đến nơi lắp đặt máy.
Kim Tuyển xúc động khi thấy hàng người nối dài chờ nhận gạo đồng thời giữ các quy định về phòng dịch như đeo khẩu trang, cách nhau khoảng 2 m. Diễn viên hỏi thăm cuộc sống người dân và hỗ trợ họ lấy gạo. Một cụ bà 79 tuổi kể con trai, con dâu bà làm công nhân nhưng bị giảm 30% lương vì dịch. Do cháu gái mới 8 tuổi, bà cố gắng dậy sớm, đi bộ hơn 5 km đến điểm phát gạo. Nghe hoàn cảnh của cụ, Kim Tuyến trao riêng một phần, động viên bà vượt qua giai đoạn khó khăn.
Những ngày giãn cách xã hội, diễn viên tìm hiểu các hoạt động hướng về cộng đồng. Cô nói: "Gần đây, tôi không có show quay phim, quảng cáo, nhưng thấy mình may mắn hơn nhiều mảnh đời ngoài kia. Tôi sống chậm hơn để san sẻ thêm cho những người còn khó khăn".
Phát gạo bằng "ATM" là hình thức thiện nguyện đang được giới nghệ sĩ hưởng ứng. Hôm 18/4, Đại Nghĩa lắp một máy ở chùa Quan Âm, Cà Mau để hỗ trợ người dân chống Covid-19 và hạn mặn. Anh đang lắp thêm 5 máy ở 5 quận tại TP HCM. Ngày 19/4, nghệ sĩ Kim Cương tặng hai tấn gạo trong chương trình Hạt gạo yêu thương do bà vận động cho người nghèo tại quận 12.
"ATM gạo" miễn phí có hệ thống chia gạo tự động, camera và nút bấm được kiểm soát thông qua ứng dụng trên điện thoại. Khi người đứng trước camera bấm nút, van mở, một lượng lương thực khoảng 1,5 kg từ bồn chứa chảy xuống đường ống dẫn ra ngoài. Hôm 14/4, chủ đề máy phát gạo tự động của Việt Nam chiếm top 1 thịnh hành trên mạng xã hội Weibo Trung Quốc với hàng chục triệu lượt đọc. Nhiều tờ báo, hãng thông tấn quốc tế như CNN, Reuters... khen sáng kiến phát gạo bằng "máy ATM" của Việt Nam trong thời dịch.
Tam Kỳ