- Cuộc sống thường ngày của anh và bạn đời, nghệ sĩ Trinh Trinh kém anh 11 tuổi, diễn ra như thế nào?
- Tám năm sống chung, chúng tôi chưa từng cãi lộn. Tôi lo công chuyện bên ngoài nhiều hơn. Một ngày, tôi ở ngoài đường 16 tiếng. Trừ thời gian ngủ, tôi còn khoảng hai tiếng cho gia đình. Lâu lâu mới có ngày cho vợ con đi mua sắm hay du lịch. Tôi may mắn vì có Trinh Trinh quán xuyến việc nhà. Đôi ba năm đầu, cả hai dành nhiều thời gian chăm chút, quan tâm nhau hơn. Giờ đây, những phút lãng mạn ít đi nhưng vẫn có. Tôi và Trinh thường đi diễn dịp lễ, nên phải bù đắp cho nhau những ngày sau đó.
Dù trẻ hơn, Trinh Trinh rất chiều tôi. Ở nhà cô ấy luôn nhún nhường. Tôi quyết 80% chuyện của gia đình, nhưng Trinh là tay hòm chìa khóa. Tiền diễn, tiền kinh doanh, tôi đưa hết cho Trinh giữ.
- Vì sao chung sống đã lâu và có hai con, anh chị chưa làm đám cưới?
- Tôi cũng nghĩ đến chuyện kết hôn nhưng rồi thấy có lẽ chỉ tổ chức buổi kỷ niệm, không làm đám cưới. Tôi chung sống với người nào cũng đều tin tưởng người đó. Vì tin quá nên hai mối tình trước không kết thúc tốt đẹp. Lần đầu ly dị, tôi chán chường, một tuần năm buổi đến vũ trường, đốt hết tiền mời bạn bè giải sầu. Lần hai chia tay, tôi cho vợ hết gia tài. Lúc đó là giai đoạn suy sụp của cuộc đời, tôi nhiều tháng không làm việc. Sau hai lần đổ vỡ, tôi ban đầu đến với Trinh cũng lo sợ, nghi ngại. Trinh lúc đó thường đi diễn, cảm thông với tôi, tình cảm phát triển lúc nào không biết. Sống chung với nhau, tôi càng ngày càng tin tưởng Trinh.
- Sống và yêu người cùng nghề, anh gặp thuận lợi, khó khăn gì?
- Lúc trẻ, tôi từng nghĩ không bao giờ yêu nghệ sĩ. Ngày xưa, nếu muốn yêu người cùng nghề, tôi đã thành đôi với Ngọc Huyền. Tôi thấy nhiều đôi diễn cặp thành công nhưng khi thành vợ chồng thì cảm xúc của khán giả với họ mất đi. Tôi cũng nghĩ lấy người cùng nghề thì ai lo cho mình. Mình bỏ hết công việc để lo cho họ thì sự nghiệp bị ảnh hưởng.
Sau này, khi đã có sự nghiệp và tình cảm của khán giả, tôi thấy chỉ cần đến với ai khiến bản thân hạnh phúc. Cùng là nghệ sĩ, Trinh Trinh hiểu công việc của tôi. Cô ấy không bao giờ thắc mắc hay ghen tuông với đồng nghiệp, khán giả. Trinh vừa hiền lành, vừa hiếu thảo nên "trói" được tôi. Nhìn Trinh tôi mường tượng tới mẹ mình. Ngày xưa, ba làm gì mẹ cũng đồng thuận, ủng hộ. Tôi muốn mở nhà hàng, Trinh phụ giúp. Tôi muốn ra Hà Nội làm show, cô ấy cũng đồng lòng.
- Tình cảm giữa vợ và các con riêng của anh thế nào?
- Tôi yêu Trinh một phần vì nghĩ khi sống với cô ấy, các con tôi sẽ sướng. Maika - con của tôi với vợ đầu - ở cùng tôi. Hai người con với Tú - người vợ thứ hai - sống cùng mẹ và thường xuyên qua chơi. Tôi và Trinh có hai con trai. Tất cả thương nhau lắm. Theo thói quen, Maika vẫn gọi Trinh bằng chị. Khi chia tay vợ cũ, chúng tôi không có mâu thuẫn gì lớn. Tôi cũng đồng thuận các yêu cầu của họ nên được tôn trọng.
- Anh định hướng nghề nghiệp cho con cái ra sao?
- Tôi muốn để các con phát triển tự nhiên nhưng khuyến khích chúng theo nghệ thuật. Maika ngày xưa giấu tôi đi học làm diễn viên, giờ trở thành diễn viên điện ảnh. Hai con trai với Trinh tôi nghĩ nó sẽ theo nghề, vì có máu của cả cha mẹ đều dân nghệ thuật. Lúc Andy Khánh (tên thật là Hoàng Gia Khánh) hai tuổi, tôi ca bài gì con đều ca lại được y hệt. Khoảng hơn năm nay, tôi phát hiện con gái thứ ba hát hay lắm, có giọng lạ và thể hiện được cảm xúc. Tôi bảo làm MV, cho con vào showbiz nhưng nó không đồng ý.
- Là nghệ sĩ cải lương kỳ cựu, anh nhận xét gì về bộ môn này hiện nay?
- Nhiều người nói cải lương đang hấp hối. Trong miền Nam, sân khấu cải lương xã hội hóa như đoàn Vũ Luân, Huỳnh Long, Minh Tơ, Kim Ngân, Lê Hoàng... vẫn đắt khách dù giá vé hàng triệu. Tuy nhiên, nó không đạt được thời hoàng kim. Giá vé cao, khán giả không đi xem liên tục nên khó làm chương trình thường xuyên. Bên cạnh những chương trình lớn, nghệ sĩ vẫn phải chạy show hát tiệc, sự kiện, tham gia game show. Nhiều nghệ sĩ trẻ như Bình Tinh, sau khi tham gia game show, bật lên thì đắt show - cát-xê 15 đến 20 triệu, còn những người không tên tuổi có cuộc sống bấp bênh.
- Tâm nguyện của anh với nghề là gì?
- Kế hoạch của tôi là xây một sân khấu riêng, gom tất cả nghệ sĩ cải lương về làm chương trình thường xuyên cho khách du lịch. Tôi tâm đắc với dự án đưa cải lương đến học đường nhưng đó là con dao hai lưỡi. Tôi nghĩ chỉ nên đưa cải lương đến lớp trẻ nếu có những kịch bản, trang phục gần gũi với các em. Tôi muốn cho khán giả thấy cải lương giờ đã thay đổi, không còn đơn sơ, sến súa. Không ai muốn xem nghệ sĩ trên sân khấu mặc lòe loẹt ca liên tiếp bốn câu vọng cổ. Nghệ thuật cải lương cần thay đổi để phù hợp xu thế mới nhưng vẫn giữ được hồn cốt của bộ môn này.
*Xem thêm: Kim Tử Long làm show ở Hà Nội
Ngày 12/10, Kim Tử Long tổ chức liveshow "Thánh đường sân khấu" tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội. Anh và nghệ sĩ Ngọc Huyền sẽ thể hiện những trích đoạn vở diễn làm nên tên tuổi họ như Gió lạnh biên thùy, Sân khấu thánh đường, Đoạn tình buồn... Liveshow còn quy tụ nhiều ngôi sao cải lương Nam bộ như nghệ sĩ Phương Hồng Thủy, Phượng Hằng, Tú Sương, Lê Tứ, các diễn viên Điền Trung, Minh Trường, Hoàng Đăng Khoa, Xuân Trúc, Hà Như, Lê Thanh Thảo, Nhã Thi, quán quân Sao nối ngôi Bình Tinh, thí sinh Đường đến danh ca vọng cổ Lê Văn Hậu...
Đạt Phan