Theo báo cáo tại Họp báo tình hình kinh tế xã hội 9 tháng của tỉnh Bình Dương, dự kiến tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 sẽ đạt kế hoạch tăng trưởng đề ra (kế hoạch ở mức 8-8,3%). Sản xuất công nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, các doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi mô hình, mạnh dạn chuyển đổi số, liên kết với các đối tác nhằm mở rộng quy mô, đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu cho sản xuất thường xuyên. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng ước tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ tăng 2,9%).
Các khu công nghiệp đã cho thuê đất và nhà xưởng với tổng diện tích 200 ha, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,83 tỷ USD (chiếm 71% cả tỉnh). Tỉnh tập trung triển khai các thủ tục đất đai, quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp VSIP 3, dự án của Tập đoàn Lego và mở rộng các khu công nghiệp: Nam Tân Uyên, Rạch Bắp, Cây Trường.
Về thương mại - dịch vụ, tỉnh kịp thời theo dõi diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế và tiêu dùng của người dân. Nhiều buổi tiếp xúc các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng ước đạt 200.928 tỷ đồng, tăng 19,9% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 19,21 tỷ USD, giảm 1,6%; duy trì thặng dư thương mại 7,8 tỷ USD.
Về nông nghiệp, tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt. Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" năm 2022 phát động với số lượng trên 20.000 cây (tương đương 65,8 ha). 11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021; tiếp tục triển khai làng thông minh tại xã Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên) và nghiên cứu phát triển mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Phú Giáo.
Lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tỉnh hoàn thành phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện; tiếp tục hoàn thiện phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai và lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025. Tỉnh rà soát, đề xuất các khu vực dự kiến thực hiện dự án tái định cư tại các địa phương phía nam; tiếp tục hoàn thiện phương án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc quản lý và sử dụng đất đai, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản, quản lý nước thải cũng được chú trọng; xử lý các trường hợp vi phạm bảo vệ môi trường.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 94.627 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ. Trên địa bàn hiện chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm: Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13; nâng cao tĩnh không cầu Bình Triệu 1, tham gia quy hoạch phát triển hệ thống đường sắt. Các đơn vị triển khai phương án phân luồng giao thông theo giờ, theo tuyến trên một số tuyến đường; đôn đốc thực hiện thu phí điện tử không dừng và nghiên cứu sắp xếp các trạm thu phí.
Ngân sách tỉnh ước thu đạt 48.500 tỷ đồng, đạt 81% dự toán, bằng số thu cùng kỳ năm 2021. Tổng chi ngân sách thực hiện 11.530 tỷ đồng, đạt 57% dự toán, bằng 92% so với cùng kỳ. Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 280.400 tỷ đồng, tăng 5,1% so với đầu năm. Dư nợ cho vay ước đạt 281.200 tỷ đồng, tăng 10,7% so với đầu năm. Nợ xấu chiếm 0,55% tổng dư nợ.
(Nguồn: Tỉnh Bình Dương)