8h30 phút tối 21/4, không khí ở Kim Liên khác hẳn mọi ngày, dù là quán cóc nhỏ khuất dưới tán lá không nhìn rõ mặt người hay quán cà phê, đâu đâu câu chuyện cũng chỉ xoay quanh vụ tai nạn thảm khốc vừa ập đến khu tập thể của họ. Các điểm trông xe ở khu Kim Liên chật kín cả lối đi. Tối nay, người nhà, bạn bè, thân hữu của 30 gia đình có cựu chiến binh tử nạn đến thăm hỏi và chia buồn.
Đau thương bao trùm khu tập thể |
Có mặt tại gia đình cựu chiến binh tử nạn Trần Trọng Cáp, (năm nay bác Cáp 69 tuổi, là phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường, đồng thời cũng là trưởng đoàn dẫn đoàn đi tham quan lần này) bà Phạm Thị Kim Yến, vợ của bác Cáp nghẹn ngào: “Vậy mà ông ấy còn dự định, sau chuyến đi này lại tổ chức cho các cựu chiến binh đi nghỉ mát tiếp ở Sầm Sơn. Nhưng giờ thì còn gì đâu”. Đưa khăn lau nước mắt, bà Yến như chợt nhớ ra: “Tôi cũng không hiểu sao, trước khi đi khoảng 2 tuần, tự dưng ông ấy phóng rất to ảnh chân dung của mình, trên ngực áo đeo đầy huy chương. Bạn bè, hàng xóm, người thân đến chơi ông đều đem ra khoe rồi hỏi có đẹp không, khi tôi bảo: "Sao tự dưng ông lại phóng ảnh to thế thì ông bảo cứ mặc kệ ông. Tôi đem giấu ảnh vào một góc, nhưng ông lại tìm được và treo lên tường”. Ngồi vây xung quanh bà Yến là cháu ngoại, cháu nội, con rể… , hàng xóm và cả các đồng đội cũ của bác Cáp. Những người phụ nữ mắt đỏ hoe ngồi bíu lấy nhau, còn những người đàn ông liên tục rít thuốc. Chốc chốc lại có người nhoài người ngó lên chiếc điện thoại để trên nóc tủ. Họ đang sốt ruột chờ tin mới nhất của những người thân vừa đáp chuyến bay cuối cùng chiều 21/4 vào Đà Nẵng đón thi hài bác Cáp.
Bác Nguyễn Trọng Hinh, một đồng đội cũ của bác Cáp, chợt nấc lên: “Anh Trần Đình Thành, anh Minh Thanh cũng chết… trời ơi! Thế là dự định anh em đồng đội tụ họp với nhau ngày thành lập đơn vị 9/5 này không có các anh rồi, các anh ơi”. Tim mọi người như thắt lại. Chị Vân, anh Tuấn, chủ cửa hàng photocopy, nơi mà bác Cáp thường xuyên photo tài liệu kể, lần cuối cùng bác Cáp đến cửa hàng của họ photo danh sách các cựu chiến binh tham gia trong chuyến đi này cách đây mấy ngày. Chẳng hiểu sao bác ấy lại gở mồm bảo, đây là lần cuối cùng, đi xong chuyến này nhất định sẽ không đi đâu nữa.
Trong căn nhà của gia đình cựu chiến binh tử nạn Nguyễn Thị Tuyết không khí buồn thương choán hết căn nhà của họ, anh em, họ hàng của bà Tuyết tập trung đầy đủ, ngồi chật kín cả phòng khách, mắt ai nấy đều đỏ hoe. 22 giờ 10 phút, VTV2 đài truyền hình Việt Nam phát lại bản tin tai nạn lúc 19 giờ tối. Mọi người như chồm cả lên trước màn hình mong tìm thấy trong những thi thể lấm láp bùn đất không còn vẹn nguyên kia, hình hài của bà Tuyết. Những tiếng khóc vỡ oà. Anh Vũ Đại Thắng, con trai cả của bà Tuyết gạt nước mắt kể: "Tối hôm qua, mẹ em còn gọi điện về kể chuyện đang ở Mộ Đức, Quảng Ngãi vui lắm, thế mà…". Giọng anh nghẹn lại. Nước mắt người đàn ông ngoài 30 không kìm nổi cứ thể trào lăn.
Chị Quỳnh, con gái cả của bác Long nức nở nói với phóng viên VnExpress: “Chiều hôm qua, ông còn gọi điện về khoe là vừa được vào thăm nghĩa trang Trường Sơn, thắp hương cho các đồng đội. Ông bảo: nhìn bạt ngàn bia mộ Trường Sơn, hóa ra mình còn may chán, kinh qua bao nhiêu chiến trường nhưng vẫn sống sót. Vậy mà giờ...”
Đã quá 23 giờ 30, thành phố đã chìm vào giấc ngủ, nhưng ở khu tập thể Kim Liên hầu hết các gia đình vẫn sáng đèn. Những ngọn đèn như soi đường cho linh hồn các cựu chiến binh tử nạn nhìn thấy rõ đường về.
Ngọc Khánh