Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai diễn ra ở Hà Nội hồi cuối tháng hai, Kim Jong-un đã viết một bức thư khen ngợi Tổng thống Mỹ Donald Trump hết lời. Trong thư, lãnh đạo Triều Tiên bày tỏ rõ ý muốn đàm phán riêng với ông Trump về vấn đề hạt nhân và gạt Ngoại trưởng Mike Pompeo và đặc phái viên Stephen Beguin ra khỏi bàn thảo luận, một số quan chức trong chính quyền Washington cho hay.
Lãnh đạo Triều Tiên muốn các cuộc đàm phán "giới hạn ở cấp giữa Trump và Kim Jong-un" nên đã viết lá thư "đầy lời lẽ khen ngợi rằng chỉ có Tổng thống Mỹ mới có thể đem lại hòa bình".
Bình Nhưỡng dường như tin rằng họ sẽ đạt được một thỏa thuận có lợi hơn nếu tiến hành đàm phán trực tiếp với Tổng thống Trump hơn là đàm phán theo kiểu truyền thống (làm việc với các cấp bên dưới trước khi bước vào phòng họp kín giữa hai lãnh đạo).
Ngoài ra, nội dung bức thư của Kim Jong-un "đánh trúng" vào phong cách đàm phán của Trump khi nhấn mạnh vai trò cá nhân và kỹ năng thương thảo của ông chủ Nhà Trắng.
Các chuyên gia nhận định bức thứ còn giúp tạo động lực cho hội nghị thượng đỉnh Hà Nội vì một tuần trước hội nghị, phái đoàn Mỹ và Triều Tiên mới bắt tay vào đàm phán chi tiết nội dung chương trình làm việc và những điểm mấu chốt của thỏa thuận có thể ký giữa hai bên. Tuy nhiên, chính quyền Trump đã phủ nhận thông tin này và cho biết tiến trình đàm phán đã được khởi động từ trước khi đặc phái viên Beguin thương thảo với người đồng cấp Triều Tiên.
Hiện người phát ngôn của Ủy ban An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao Mỹ đều từ chối bình luận về bức thư tay. Nhưng Tổng thống Trump từng nhắc đến những lá thứ của Kim Jong-un như là bằng chứng cho thấy mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa hai lãnh đạo.
Theo nguồn tin, khi Kim Jong-un ca ngợi Trump, nhiều quan chức ở Washington cùng các nước đồng minh của Mỹ lo lắng Tổng thống sẽ nhượng bộ Bình Nhưỡng quá nhiều tại Hà Nội.
Nhật Bản được cho là đã "hợp sức" để ngăn ông chủ Nhà Trắng nhượng bộ trên bàn đàm phán. Sau hội nghị thượng đỉnh lần một ở Singapore năm ngoái, Tổng thống Trump đã khiến đồng minh ngạc nhiên khi tuyên bố quân đội Mỹ sẽ giảm bớt tập trận ở bán đảo Triều Tiên.
Một số quan chức còn tiết lộ tại Hà Nội, do Bình Nhưỡng đã đưa ra một đề nghị mơ hồ về việc tháo dỡ tổ hợp hạt nhân Yongbyon để đổi lấy gỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế, Mỹ đã cảm thấy dễ dàng rời khỏi bàn đàm phán. Cả Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Pompeo đều khuyên Tổng thống Trump từ chối đề nghị của Triều Tiên. Thông tin này trùng khớp với tuyên bố gần đây của Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên cho rằng chính hai ông Pompeo và Bolton đã "cản trở" những cuộc đàm phán mang tính xây dựng giữa hai lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên "vì sự thù địch và ngờ vực tồn tại từ trước".
An Hồng (Theo NBC)