Trang tuyên truyền Naenara của Triều Tiên hôm qua công bố toàn văn hiến pháp sửa đổi được quốc hội nước này thông qua hồi tháng 4. Văn bản nêu rõ Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên đóng vai trò là lãnh đạo tối cao "đại diện cho đất nước".
Theo quy định này, ông Kim Jong-un, người giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên, được công nhận là nguyên thủ quốc gia.
Hiến pháp trước đây của Triều Tiên quy định Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ là "lãnh đạo tối cao" của nước này, còn "người đại diện cho đất nước", hay nguyên thủ quốc gia, là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên (SAC), tức quốc hội. Choe Ryong-hae, một trong những quan chức gần gũi nhất với Kim Jong-un, hồi tháng 4 được bầu giữ chức Chủ tịch quốc hội.
Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) trong phiên họp hồi tháng ba năm nay từng nhận định Triều Tiên sẽ sửa đổi hiến pháp trong kỳ họp quốc hội tháng 4 để đưa lãnh đạo Kim Jong-un trở thành nguyên thủ quốc gia.
Kim Jong-un từng tranh cử tại khu bầu cử số 11 thuộc ngọn núi thiêng Paektu trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2014 và nhận được sự ủng hộ tuyệt đối. Tuy nhiên, ông không tham gia cuộc bầu cử diễn ra hồi tháng 3, cũng không có tên trong 687 đại biểu quốc hội được bầu trong phiên họp ngày 11/4. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một lãnh đạo Triều Tiên không có mặt trong danh sách này.
Tình báo Hàn Quốc cho rằng việc Triều Tiên thay đổi cơ cấu bộ máy lãnh đạo đất nước là cần thiết, bởi quy định cũ khiến ông Kim Jong-un khó có thể được coi là nguyên thủ quốc gia trong các hoạt động ngoại giao. Nhu cầu coi Kim Jong-un là nguyên thủ Triều Tiên càng trở nên cấp thiết khi nước này tăng cường nỗ lực ngoại giao với Mỹ thông qua các cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Donald Trump.
Mai Lâm (Theo Yonhap)