"Tư cách pháp lý của lãnh đạo Kim Jong-un trong vai trò đại diện cho nhà nước của chúng ta đã được củng cố để đảm bảo vững chắc sự chỉ dẫn của lãnh đạo tối cao đối với toàn bộ các vấn đề quốc gia", hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA hôm nay dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tối cao Choe Ryong-hae cho hay.
Chủ tịch đương nhiệm Triều Tiên chỉ là nguyên thủ quốc gia trên danh nghĩa. Tuy nhiên, hiến pháp sửa đổi hồi tháng 7 nêu rõ Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ (SAG) Kim Jong-un là đại diện tối cao của người dân Triều Tiên, tương đương nguyên thủ quốc gia, và tổng tư lệnh. Hiến pháp trước đây chỉ đơn giản gọi Kim Jong-un là "lãnh đạo tối cao", chỉ huy các lực lượng quân sự toàn diện của đất nước.
Hiến pháp sửa đổi được công bố hôm nay dường như xác nhận rằng hệ thống pháp lý của Triều Tiên sẽ công nhận Kim Jong-un là nguyên thủ quốc gia, được ủy quyền ban hành các sắc lệnh lập pháp, nghị định, quyết định lớn và bổ nhiệm hoặc triệu hồi các phái viên ngoại giao.
"Với việc sửa đổi hiến pháp, Kim Jong-un sẽ hồi sinh thể chế nguyên thủ quốc gia có dưới thời ông nội của mình là Kim Nhật Thành. Ông ấy sẽ trở thành nguyên thủ quốc gia", Cheong Seong-chang, chuyên gia tại Viện Sejong, Hàn Quốc cho hay.
Hồi tháng 7, giới phân tích cho rằng Triều Tiên sửa đổi hiến pháp có thể nhằm xác nhận vai trò nguyên thủ quốc gia cho Kim Jong-un trong các hoạt động ngoại giao, đặc biệt chuẩn bị cho hiệp ước hòa bình với Mỹ. Triều Tiên từ lâu đã kêu gọi ký thỏa thuận hòa bình với Mỹ để bình thường hóa quan hệ và chấm dứt tình trạng chiến tranh. Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 mới kết thúc bằng hiệp định đình chiến, không phải hiệp ước hòa bình.
Huyền Lê (Theo Reuters)