Theo lịch trình, vào ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh, lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in sẽ cùng ăn trưa tại nhà hàng Bình Nhưỡng Okryugwan. Nằm bên bờ sông Taedong, Okryugwan nổi tiếng với món mỳ lạnh Bình Nhưỡng nguyên bản, Korea Times cho hay.
Ông Moon từng thử món ăn này trong hội nghị thượng đỉnh lần đầu hồi tháng 4 ở Khu Phi Quân sự. Khi đó, ông Kim đã mang cả nguyên liệu, máy làm mỳ và đầu bếp đi theo để phục vụ mỳ lạnh tại tiệc tối cho tổng thống Hàn Quốc.
Chiến lược ngoại giao bằng ẩm thực của Triều Tiên từng tạo nên một cơn sốt mỳ lạnh ở Hàn Quốc hồi tháng 4. Món ăn kèm với thịt, củ cải và kim chi vốn được ưa chuộng vào mùa hè nên việc các nhà hàng mỳ lạnh Seoul cháy chỗ vào đầu mùa xuân là rất hiếm khi xảy ra.
Bình Nhưỡng và Hamhung là hai thành phố ở Triều Tiên nổi tiếng về đặc sản này, được gọi là naengmyeon hoặc raengmyeon trong tiếng Triều Tiên. Nhà bình luận ẩm thực Hwang Young-chul cho hay mỳ lạnh Hamhung có hương vị khác và dai hơn so với mỳ lạnh Bình Nhưỡng.
"Tỉnh Hamgyong Nam nằm ở bờ biển phía đông bán đảo Triều Tiên rất lạnh và khô nên khó trồng trọt. Người dân thường thêm bột khoai lang khi làm sợi mỳ, do bột mỳ hiếm hoi. Trong khi đó, người Bình Nhưỡng dùng nhiều bột mỳ hơn", ông nói.
Sợi mỳ ở Hamhung, thủ phủ của tỉnh Hamgyong Nam, là mỳ trắng và dù mỏng nhưng rất dai nên mọi người thường phải dùng kéo để cắt. Người dân vùng Hamgyong cũng thích cho nhiều tương ớt vào tô mỳ để làm ấm cơ thể.
Trong khi đó, món mỳ ở Bình Nhưỡng nổi tiếng với nước dùng thanh, sợi mỳ mềm hơn và đây được xem là tổ tiên của món mỳ lạnh.
Hwang cho biết mỳ lạnh trở nên phổ biến vì người Triều Tiên thường không thích những món ăn có thể dây bẩn quần áo. "Đó là thói quen ăn uống của họ. Người Hàn Quốc dùng rất nhiều giấy ăn khi ăn. Người Triều Tiên cũng không khác gì. Chúng ta có chung nền văn hóa".
Ở Hàn Quốc rất khó để tìm được nhà hàng phục vụ món mỳ lạnh Bình Nhưỡng chính gốc, nhưng tại Triều Tiên, hầu hết các nhà hàng đều có món ăn truyền thống này.
Ông Hwang cho biết các món ăn chính ở hai miền tương tự nhau, gồm cơm, súp và mỳ.
"Quan trọng là thực phẩm Triều Tiên không phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Họ chỉ sử dụng nguyên liệu trong nước và phần lớn gắn bó với các công thức nấu ăn truyền thống", ông nói.