Sau khi ông Kim Jong-il qua đời, Kim Jong-un được các quan chức và các cơ quan truyền thông của nhà nước nhắc đến với nhiều chức danh, nhưng vị trí Tư lệnh tối cao quân đội nhân dân được Bộ chính trị trung ương đảng Lao động Triều Tiên chính thức công bố là một khẳng định chắc chắn vị trí của Kim Jong-un trong bộ máy chính trị của Triều Tiên.
![]() |
Kim Jong-un đứng trên lễ đài trong lễ tang chủ tịch Kim Jong-il. Ảnh: AFP |
KCNA khẳng định, Kim Jong-un là "trung tâm duy nhất của sự đoàn kết và lãnh đạo" của đảng Lao động Triều Tiên, và quân đội với 1,2 triệu binh sĩ vẫn duy trì chế độ "songun", ưu tiên quân sự, sau khi chủ tịch Kim Jong-il qua đời.
"Đất nước cần phải đoàn kết xung quanh Kim Jong-un và tăng cường hệ thống lãnh đạo của Kim Jong-un trong toàn đảng và xã hội", hãng thông tấn trung ương Triều Tiên cho biết.
AP dẫn nguồn cơ quan này cho hay, một ngày sau lễ tang chính thức của cố chủ tịch Kim Jong-il, một cuộc họp bất thường của đảng Lao động Triều Tiên đã diễn ra và "Kim Jong-un sẽ đảm nhiệm chức vụ tư lệnh tối cao của quân đội nhân dân Triều Tiên" theo di huấn ngày 8/10 của cố chủ tịch Kim Jong-il.
Các chức vụ lãnh đạo là phần rất quan trọng để Kim Jong-un có thể kế tục sự nghiệp của cha và ông mình.
Ông Kim Nhật Thành, chủ tịch đầu tiên của Triều Tiên và được coi là chủ tịch vĩnh viễn của đất nước. Còn ông Kim Jong-il từng giữ ba chức vụ quan trọng: chủ tịch ủy ban quốc phòng nhà nước, tổng bí thư đảng lao động Triều Tiên và tư lệnh tối cao quân đội nhân dân Triều Tiên.
Triều Tiên đang cố chứng tỏ với thế giới sự đoàn kết trong đất nước nhưng độ tuổi và kinh nghiệm của Kim Jong-un làm cho thế giới lo ngại cho tương lai của quốc gia sở hữu chương trình hạt nhân nhạy cả và nền kinh tế khó khăn này.
Nhưng người dân Triều Tiên thì tỏ ra hết sức tin tưởng vào nhà lãnh đạo mới. Kang Chol-bok, một nhân viên lực lượng an ninh Triều Tiên nói với AP, "tuy chúng tôi đã mất chủ tịch Kim Jong-il nhưng chúng tôi có đồng chí Kim Jong-un đáng kính, chúng tôi sẽ biến đau thương thành sức mạnh và lòng can đảm".
Còn nhà phân tích ở Hàn Quốc, Koh Yu-hwan, chuyên gia thuộc đại học Dongguk Seoul cho biết, quyết định của Ủy ban quốc phòng Triều Tiên đã gửi đến thế giới những lời cảnh báo không nên xem nhẹ người lãnh đạo mới của nước mình. Và thời điểm này là quá sớm để dự đoán về tương lai của Triều Tiên.
Sau đám tang ông Kim Jong-il, động thái đầu tiên của Triều Tiên cũng là công bố với thế giới rằng không có sự thay đổi trong chính sách đối ngoại và sẽ không bao giờ hợp tác với chính phủ Hàn Quốc của ông Lee Myung-bak.
Ông Lee nhậm chức tổng thống Hàn Quốc vào năm 2008 và đã thi hành nhiều chính sách cứng rắn, cắt giảm viện trợ và quan hệ đối với Triều Tiên. Trong thời gian tang lễ Kim Jong-il, chính phủ Hàn Quốc cho phép hai phái đoàn sang viếng, điều này khiến Bình Nhưỡng tức giận và cho là không thể tha thứ.
Vũ Hà