Theo Telegraph, các hãng truyền thông nhà nước Triều Tiên đều đưa tin về các hoạt động của Kim Jong-un bằng danh hiệu "chinaehaneun jidoja", nghĩa là "lãnh tụ kính yêu".
Nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan của đảng Lao động Triều Tiên, gần đây đăng ảnh của nhà lãnh đạo trên trang nhất kèm biểu ngữ "Lãnh tụ kính yêu Kim Jong-un". Các báo khác của Triều Tiên cũng thường xuyên sử dụng danh hiệu này khi nhắc đến ôngKim.
Trước đây, danh hiệu "lãnh tụ kính yêu" chỉ được giới truyền thông Triều Tiên dùng để gọi Kim Jong-il, người qua đời vào tháng 12/2011. Việc dành cho Kim Jong-un danh xưng cao quý của cha dường như là một biện pháp nhằm củng cố thêm quyền lực và vị thế của nhà lãnh đạo trẻ.
Động thái này diễn trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang trải qua một sự thay đổi mạnh mẽ về nhân sự cấp cao. Triều Tiên hồi đầu tuần xác nhận Jang Song-thaek, chú của Kim Jong-un, người quyền lực số hai quốc gia, một quan chức chủ lực dưới thời Kim Jong-il, đã bị khai trừ đảng và cách chức, vì "phản cách mạng, tham nhũng, quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ".
Hôm nay, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) xác nhận Bình Nhưỡng đã xử tử ông, ngay sau một phiên tòa quân sự đặc biệt. Ông Jang bị cáo buộc phản bội lòng tin của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và cố chủ tịch Kim Jong-Il.
Tại phiên tòa, ông Jang thừa nhận đã cố gắng tổ chức một cuộc đảo chính bằng cách tập hợp các cộng sự trong quân đội.
Một quan chức khác cũng được cho đã bị chính quyền xử tử là Ri Su-yong, một đồng minh thân cận của Jang. Ông này có nhiệm vụ thu hút đầu tư nước ngoài và được cho là có bất đồng với Kim Jong-un liên quan đến vấn đề tài chính.
Những động thái mới trên của Triều Tiên gây ra những lo ngại về sự bất ổn lớn hơn trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết Nhật Bản đang theo dõi sát mọi biến động quân sự từ Triều Tiên.
Anh Ngọc