Sự phát triển của làng game Việt trong hơn một thập kỷ qua gắn liền với cái tên Kim Dung. Gần như tất cả tiểu thuyết kiếm hiệp của nhà văn nổi tiếng này, đều đã được chuyển thể thành trò chơi điện tử, như Thiên Long Bát Bộ, Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Hiệp Lữ, Lộc Đỉnh Ký, Tiếu Ngạo Giang Hồ...
Từng có thời điểm, trên thị trường game Việt Nam, cứ 10 game thì có đến 7 lấy đề tài từ truyện Kim Dung. Tuy nhiên, hơn 90% trong số này là sản phẩm nhập về từ Trung Quốc, số còn lại do các nhà phát triển Việt tự sản xuất.
Cốt truyện của game có thể là cả một bộ truyện, hoặc chỉ tập trung khai thác nội dung vào một nhân vật hay một sản phẩm trong đó như kiếm Ỷ thiên, đao Đồ Long, bộ công pháp Cửu âm chân kinh, nhân vật Tiểu Long Nữ, cặp đôi nhân vật Đông Tà Tây Độc... Có trò chơi tổng hợp và lồng ghép nhiều bộ tiểu thuyết của nhà văn này lại với nhau với cách đặt tên có các yếu tố đặc thù như Mộng Võ Lâm, Loạn Đấu Võ Lâm, Đại Minh Chủ, Quần Long Tranh Bá, Đại Anh Hùng, Giang Hồ Tranh Bá... Nhiều trò chơi thậm chí sử dụng cả tên nhà văn Kim Dung như Kim Dung Quần Hiệp Truyện, Kim Dung Truyện, Kim Dung Ngoại Truyện... Cũng có trường hợp cùng một tên gọi nhưng lại có nhiều phiên bản trò chơi khác nhau, gắn kèm phía sau là các hậu tố 2D, 2.5D, 3D, Web hay Mobile, đặc trưng cho từng thể loại. Nhiều game cùng đề tài ra sau, vẫn giữ nguyên tên gốc nhưng đặt thêm tiền tố "Tân" phía trước tên gọi của trò chơi để khơi gợi sự tò mò từ cộng đồng, như Tân Thiên Long, Tân Anh Hùng Xạ Điêu, Tân Tiếu Ngạo Giang Hồ...
Nhiều trò chơi có nội dung phóng tác từ cốt truyện cũ, sáng tạo lồng ghép các yếu tố không còn là kiếm hiệp, vẫn được đón nhận bởi yếu tố "ngoại truyện". Các nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung cũng không còn bị bó buộc trong thế giới kiếm hiệp, mà tách ra trở thành các nhân vật riêng của các trò chơi nhập vai hay thể loại MOBA. Người chơi game Liên Quân hay 3Q Củ Hành có thể dễ dàng nhận ra các nhân vật được xây dựng từ hình tượng Dương Quá hay Tiểu Long Nữ.
Nhưng có một sự thật khó có thể chối bỏ là gần như cả 7 trong 10 trò chơi nói trên, đều có lượng người tham gia ban đầu rất đông đảo. Sau một thời gian, game thủ có thể rời đi vì nội dung hay hoặc dở, nhưng khi mới được phát hành, các game online lấy đề tài là cốt truyện Kim Dung luôn thu hút rất nhiều sự quan tâm.
Nhiều game thủ nói rằng "cứ game về đề tài Kim Dung thì tôi nhất định sẽ chơi". Cũng có nhà phát hành từng chia sẻ rằng: "Mua game Kim Dung về phát hành, chỉ hòa chứ không thể lỗ".
Theo chia sẻ của nhiều game thủ, điều mà họ thích thú và mong chờ nhất ở những trò chơi có đề tài kiếm hiệp Kim Dung là sự thân thuộc. Không chỉ với các nhân vật kinh điển mà cả cốt truyện, các bộ võ công tâm pháp cho tới những địa danh đáng nhớ. Nhiều người sẵn sàng chơi ba, bốn game cùng xoay quanh bộ tiểu thuyết Anh Hùng Xạ Điêu, chỉ vì hâm mộ nhân vật Quách Tĩnh. Từ đó có thể phân tích so sánh giữa các cốt truyện trò chơi với nhau, tìm ra điểm hay dở của nhà sản xuất. Không ít người chơi game Thiên Long Bát Bộ từ phiên bản 2D trên máy tính tới bản đồ họa 3D, sau đó sang cả phiên bản mobile mà không biết chán. Còn việc đầu tư cả trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng vào các trò chơi kiếm hiệp đã không còn là chuyện xa lạ trong làng game Việt.
Kim Dung tên thật Tra Lương Dung, sinh năm 1924 ở Chiết Giang, Trung Quốc. Năm 1948, ông tới Hong Kong sinh sống, làm việc, được đông đảo độc giả hâm mộ bởi hàng loạt tiểu thuyết võ hiệp đặc sắc như Thiên Long Bát Bộ, Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Hiệp Lữ, Lộc Đỉnh Ký, Tiếu Ngạo Giang Hồ... Ông được mệnh danh là "Thái Sơn, Bắc Đẩu" trong giới tác giả viết tiểu thuyết võ hiệp. Nhà văn đã mất vì tuổi cao, bệnh tật tại Hong Kong hôm 30/10, hưởng thọ 94 tuổi.