- Sau khi thưởng thức "Bi, đừng sợ" trong buổi công chiếu tại Hà Nội hôm 15/3, cảm xúc của chị như thế nào?
- Đã có người từng nói rằng " Bi, đừng sợ mang dấu ấn mới của Kiều Trinh trong nghề diễn". Ba chữ "dấu ấn mới" để bình luận cho một cá nhân nào đó, hẳn phải là một nhã ý, đúng hơn là một lời khen đầy hoa mỹ, thế nên tôi rất vui về những lời khen ấy. Nhưng điều làm cho tôi vui hơn là tôi đã góp phần tạo nên một "dấu ấn mới" cho điện ảnh nước nhà khi tham gia Bi, đừng sợ. Chính vì vậy, cảm xúc của tôi sau khi xem phim sau buổi công chiếu tại Hà Nội là niềm vui được nhân đôi.
Diễn viên Kiều Trinh. Ảnh: st. |
- Trong phim chị có rất nhiều cảnh nóng bỏng, chị có gặp khó khăn gì với những cảnh này?
- Tôi chưa hề bị áp lực hoặc gặp khó khăn gì với những cảnh nóng trong phim. Còn về việc đương đầu với những cảnh nóng thì hoàn toàn không nằm ở vấn đề dũng cảm hay không như những câu hỏi của đồng nghiệp và báo chi trước đây. Tôi chỉ quan trọng là mình có hoàn thành trách nhiệm được giao một cách trọn vẹn hay không.
- Tâm lý của chị như thế nào khi tiếp cận với kịch bản "Bi, đừng sợ" của đạo diễn Phan Đăng Di?
- Khi làm việc với những đạo diễn lạ, thì có những vai diễn, hoặc phân cảnh tôi đã phải nuôi tâm lý, hoặc phân tích kịch bản, nhân vật, rất kỹ từ khá lâu trước ngày quay. Riêng đối với đạo diễn Phan Đăng Di thì những cảnh quay tôi hoàn toàn không cần chuẩn bị tâm lý gì cả, vì khi quay tôi chỉ việc diễn theo những ý đồ đã được đạo diễn ghi chú rõ ràng, kỹ lưỡng.
Kiều Trinh bên đạo diễn Phan Đăng Di, diễn viên nhí Phan Thành Minh, NSND Trần Tiến, NSƯT Chiều Xuân và NSƯT Mai Châu trong buổi họp báo ra mắt "Bi, đừng sợ" ở HN hôm 15/3. Ảnh: Galaxy. |
- Chị đã đưa bao nhiêu phần trăm tính cách ngoài đời của mình vào nhân vật Hoa?
- 100%
- Cảnh quay nào trong phim khiến chị nhớ nhất?
- Đó là cảnh tôi chăm sóc người bố chồng trên giường bệnh vì nó gợi lại cho tôi thời gian mà tôi đã từng chăm sóc cha ruột của mình trong những ngày ông bệnh liệt giường.
- Câu chuyện về thế giới người lớn và sự lạnh lẽo trong “Bi đừng sợ” có khiến chị cảm thấy sợ hãi?
- Tôi chỉ cảm thấy hạnh phúc khi so sánh Bi, đừng sợ với cuộc sống thực tại vì may quá mình đang ở trong một thế giới hoàn toàn khác, chứ tôi hoàn toàn không cảm thấy sợ hãi một chút nào.
- Cả 3 bộ phim điện ảnh - " Mùa len trâu", "Rừng đen" và "Bi đừng sợ" mà chị từng tham gia đều gây được tiếng vang cho điện ảnh VN tại nước ngoài. Cá nhân chị cảm thấy trong ba vai diễn Bân, Vân và Hoa thì vai diễn nào thử thách mình nhất?
- Bân của Mùa len trâu là 97% Kiều Trinh của cuộc sống, là cơ may mà tôi đến với điện ảnh. Vân của Rừng đen là một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp diễn xuất của tôi, là nấc thang khá cao, khá thoáng để các đạo diễn thường xuyên nhớ đến mỗi khi họ cần một vai nữ khắc khổ. Mẹ bé Bi trong Bi, đừng sợ là một bứt phá mới của tôi, nhìn từ mọi góc độ.
Cả ba nhân vật đều để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Nhưng ngạc nhiên nhất vẫn là Bân của Mùa len trâu vì đó là vai diễn đầu đời của tôi, mà đến giờ tôi vẫn không ngờ rằng mình lại có thể hoàn thành vai diễn ấy một cách trên trung bình như vậy. Và phàm là những gì "đầu đời" của chúng ta đều luôn để lại một dấu ấn rất khó phai.
Một cảnh của Kiều Trinh trong "Bi, đừng sợ". Ảnh: Đ.D. |
- Chị rất thành công với phim điện ảnh nhưng dường như với truyền hình, chị không gây được ấn tượng mạnh mẽ. Chị nghĩ sao khi nhiều người nói rằng tham gia "Cô nàng bất đắc dĩ" là một quyết định sai lầm của Kiều Trinh?
- Bạn đã bao giờ đi dự đám cưới của một cô bạn rất thân, mà cô bạn này lại yêu cầu bạn lên hát tặng một bài hát mà cô ấy rất thích, mặc dù bài hát này với bạn thật sự không quen lắm? Sở thích và sở trường của tôi đều là mang lại niềm vui cho người thân và bạn bè. Khi đó, tôi đã "hét" hết bài hát với tất cả nhiệt huyết và khiếu thẩm âm hơi bị khiêm tốn của mình.
Có thể tôi đã làm chói tai phần đông khách đến dự, nhưng tôi biết họ không giận tôi đâu, quan trọng là ngày vui của bạn tôi được trọn vẹn. Vạn sự khởi đầu nan mà, còn nếu tôi thấy gian nan mà bắt đầu nản thì làm gì có Kiều Trinh trong Cạm bẫy, Dây leo hạnh phúc, Lỗi lầm hay Kiều nữ lỡ thì...
- Sau cuộc hôn nhân đầu tiên thất bại, dường như thời gian gần đây chị đã tìm được hạnh phúc mới. Chị có thể chia sẻ đôi chút về chuyện tình cảm hiện tại?
- Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Nhưng dĩ nhiên tôi cũng không dám đổ hết những sự kém may mắn ấy vào... ông trời, bởi làm người nên biết tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Hậu quả dẫn đến ly hôn giữa tôi và người ấy không quá ngạc nhiên, vì nó gần như đã được báo trước ngay từ những trang đầu của một cuộc tình thời tuổi trẻ, nông cạn và kém kinh nghiệm. Còn về “hạnh phúc mới”, tôi xin được bật mí vào một ngày rất gần.
- Từng trải qua biết bao thăng trầm, theo chị điều gì là quý giá nhất trong cuộc sống?
- Tinh thần.
Kiều Trinh thường được mời vào vai những người phụ nữ có số phận trắc trở. Ảnh: Galaxy. |
- Chị có tham gia buổi casting diễn viên cho phim truyện thứ hai của đạo diễn Phan Đăng Di trong TP HCM hồi đầu tháng 3. Chị mong đợi gì ở tác phẩm này?
- Tôi đã có mặt tại buổi casting phim mới của anh Di nhưng việc có tham gia hay không tôi chưa thể nói. Còn nếu có tham gia tôi hy vọng sẽ có được những thời gian vui vẻ suốt quá trình làm phim mới như đoàn làm phim Bi, đừng sợ đã có. Về tác phẩm, tôi hoàn toàn rất tin tưởng vào cái đầu nghệ thuật của đạo diễn Phan Đăng Di, nên không có gì để bàn về chất lượng phim của anh ấy cả.
Kiều Trinh (tên đầy đủ Nguyễn Thị Kiều Trinh) được biết đến từ vai diễn Bân, người thiếu phụ trầm buồn của vùng sông nước miền Tây Nam Bộ trong bộ phim điện ảnh gây tiếng vang - Mùa len trâu - của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh vào năm 2004. Năm 2008, Kiều Trinh tiếp tục gây ấn tượng với vai Vân trong Rừng đen của đạo diễn Vương Đức. Những vai diễn của chị thường là người phụ nữ có số phận trắc trở. Bà mẹ trong phim Bi, đừng sợ là vai diễn điện ảnh thứ ba của Kiều Trinh. Sắp tới, chị xuất hiện trong chùm phim ngắn Ngọc viễn đông của đạo diễn Cường Ngô. Kiều Trinh cũng từng tham gia nhiều phim truyền hình như Ngõ vắng, Gia tài bác sĩ, Gọi giấc mơ về, Vó ngựa trời Nam... |
Nguyên Minh thực hiện