Kiều hối đổ về Việt Nam tăng trong năm 2012. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Hoàng Minh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM - cho biết, lượng kiều hối năm nay đổ về TP HCM đạt 4,1 tỷ USD. Ông Minh cũng cho hay, thông thường mọi năm, lượng kiều hối của TP HCM chiếm khoảng 42% - 43% kết quả của cả nước. Như vậy, nếu tỷ trọng năm 2012 không có nhiều thay đổi, lượng kiều hối cả năm có thể chỉ đạt 9,5 - 9,6 tỷ USD.
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố số liệu cán cân thanh toán quốc tế quý III/2012. Theo đó, cán cân thanh toán tổng thể quý III tuy tiếp tục thặng dư gần 1,74 tỷ USD . Tuy nhiên, so với quý II và quý I, cán cân thanh toán tổng thể đã lần lượt giảm 20% và 60%. Tính chung 9 tháng, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư 8,2 tỷ USD. Cán cân vãng lai thặng dư tới 6,54 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, chủ yếu nhờ cán cân thương mại thặng dư 6,81 tỷ USD và kiều hối về mạnh (chuyển tiền từ khu vực tư nhân 9 tháng đầu năm khoảng 5,8 tỷ USD). Ngoài ra, cán cân vốn và tài chính trong 9 tháng cũng thặng dư 4,47 tỷ USD nhờ dòng tiền thu về từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (thặng dư đầu tư trực tiếp 9 tháng đầu năm 2012 đạt 5,45 tỷ USD) và đi vay trung dài hạn (gần 2 tỷ USD). |
Theo ước tính của ông Trần Quang Đại - Trưởng phòng Kiều hối và Ngoại hối Ngân hàng thương mại Hàng Hải (Maritime Bank) - đến giữa tháng 12/2012, lượng kiều hối mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD. "Đặc biệt, một số khu vực được đánh giá là có lượng kiều hối lớn như Huế, Đà Nẵng thì năm 2012 cũng giảm rất nhiều. Điển hình như khu vực Huế, năm 2011 có doanh số kiều hối hàng chục triệu USD thì năm nay giảm còn một nửa", ông Đại cho biết.
Mặc dù vậy, theo đại diện Maritime Bank, hiện nay lượng tiền kiều hối từ châu Á (Malaysia và Đài Loan) đang có sự tăng trưởng rất lớn từ nguồn lao động nước ngoài, góp phần thay thế lượng kiều hối giảm đi ở khu vực EU và Mỹ tránh cho thị trường kiều hối một bức tranh ảm đạm.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước TP HCM cũng nhìn nhận, năm nay kinh tế dù khó khăn nhưng lượng kiều hối đổ về vẫn tăng. Riêng TP HCM, lượng kiều hối vẫn tăng 15%. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, kiều hối tăng là do nhiều hạng mục đầu tư ở bất động sản, sản xuất kinh doanh tăng. Trong 4,1 tỷ USD đổ về TP HCM, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chiếm 23%, đầu tư sản xuất kinh doanh chiếm 62%, phần còn lại là giúp đỡ khó khăn cho người thân, gia đình. "Lượng đầu tư về bất động sản từ năm 2011 còn dang dở và tiếp tục được thực hiện trong năm nay nên lượng tiền đổ về bất động sản vẫn tăng", ông Minh giải thích.
Ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho rằng, nguyên nhân khiến kiều hối đổ về Việt Nam tăng mạnh trong năm 2012 là lãi suất tiền gửi của Việt Nam hấp dẫn hơn so với nước ngoài.
Theo vị nguyên Thống đốc, lãi suất huy động VND trong năm 2012 dù điều chỉnh giảm nhiều lần nhưng vẫn ở mốc 8-9% một năm trong khi lãi suất tiền gửi của thế giới chỉ khoảng 1,5-2% một năm. "Điều này khiến người lao động tăng gửi kiều hối về Việt Nam và để hỗ trợ gia đình", ông Kiêm lý giải.
Một điểm mới trong năm nay là lượng kiều hối người dân nhận về được bán cho hệ thống ngân hàng tăng mạnh. "30% kiều hối được chuyển về đã được người dân bán lại cho ngân hàng trong khi năm ngoái con số này chỉ là 14%. Tỷ giá ổn định và chênh lệch giữa tỷ giá niêm yết ngân hàng và thị trường tự do không đáng kể là nguyên nhân tạo nên điểm khác biệt này", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM lý giải.
Thanh Thanh Lan