"Khu phố người Hoa ở Paris đã trang hoàng rực rỡ, bán rất nhiều món đặc trưng của ngày Tết như bánh chưng, hoa đào, nhưng thiếu bầu không khí Tết thực sự như ở quê nhà", ông Nguyễn Thanh Tòng, nguyên phó chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, chia sẻ với VnExpress.
Ông Tòng cho biết ở Paris, không khí Tết thường được cảm nhận rõ nhất tại khu phố người Hoa ở quận 13, với những tiếng pháo nổ và đoàn người mặc trang phục truyền thống châu Á diễu hành trên phố.
Hội Người Việt Nam tại Pháp cũng thường tổ chức các hoạt động đón xuân cho cộng đồng như biểu diễn nghệ thuật, dựng nhiều gian hàng ẩm thực Việt, triển lãm văn hóa... Sự kiện cũng là dịp để những người con xa quê có cơ hội tụ họp và chia sẻ niềm vui đầu năm mới nơi đất khách quê người. Tuy nhiên, hai năm qua, sự kiện không thể tổ chức trực tiếp vì đại dịch Covid-19.
"Mỗi dịp Tết đến Xuân về cũng là lúc nỗi nhớ quê hương trở nên da diết, nhớ những ngày thơ ấu cùng cả nhà chuẩn bị đón Tết, nhớ nồi bánh tét của bà nội... Tôi không thể quên được hình ảnh mẹ tôi tất bật trong những ngày cuối năm và đầu năm mới để có một cái Tết chu toàn nhất", ông Tòng cho hay.
Dù sống xa quê nhiều năm, ông vẫn cố gắng gìn giữ những nét truyền thống của Tết Việt, như thắp hương cho ông bà tổ tiên, chúc Tết, tặng bao lì xì cho con cháu, hay đi lễ chùa đầu năm để cầu an.
"Tôi muốn con cháu biết những phong tục tập quán vào ngày Tết, cũng như ghi nhớ và gìn giữ truyền thống, cội nguồn dân tộc", ông nói.
Tại thủ đô Moskva, Nga, anh Phạm Phương cũng cố gắng chuẩn bị đón Tết thật chu toàn với mâm ngũ quả, bánh chưng và cành đào, để các con có thể cảm nhận chân thực hương vị Tết cổ truyền của dân tộc.
"Cứ tầm giữa tháng chạp, gia đình ở Việt Nam sẽ gửi lá dong sang Nga. Tự gói bánh chưng vừa giúp mang tới không khí Tết nhiều hơn, vừa giúp các con hiểu hơn về Tết cổ truyền", anh chia sẻ.
Không chỉ chuẩn bị cho gia đình, anh Phương cũng tổ chức Tết cho những nhân viên trong công ty để mọi người vơi bớt cảm giác buồn khi xa quê. "Tết xa quê thì ai cũng sẽ có cảm giác man mác buồn và nhớ nhà, nhất là khi không thể đoàn tụ cùng gia đình bên mâm cơm tất niên", anh nói.
Mỗi lần nhìn những hình ảnh người nhà và bạn bè ở Việt Nam rộn ràng chuẩn bị đón Tết, chị Lê Trang, kiều bào ở thành phố Solna, Thụy Điển, lại thấy chạnh lòng.
20 năm sống xa Việt Nam, chị Trang vẫn chưa thể quen cảm giác ăn Tết xa nhà. "Những ngày giáp Tết, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, thương bố mẹ già ở quê lại cháy bỏng hơn bất kỳ lúc nào", chị nói.
Lê Trang chia sẻ hầu như năm nào chị cũng về Việt Nam đón Tết cổ truyền cùng gia đình, nhưng Covid-19 đã cản trở kế hoạch sum vầy năm nay. Không thể về quê ăn Tết, chị cố gắng cùng gia đình sắm sửa đón xuân giống như ở Việt Nam.
"Tôi mua cành đào, sắm cây quất nhỏ để bàn, sau đó cả nhà cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, cắm hoa, nấu những món ăn truyền thống ngày Tết", chị nói. Mọi thứ khá đầy đủ, nhưng "vẫn không thể trọn vẹn khi thiếu không khí Tết ở Việt Nam và cảm giác được sum vầy bên gia đình".
Các nước phương Tây chỉ đón Tết dương lịch, nên hầu như vào dịp Tết cổ truyền, các gia đình người Việt đều phải đi làm và đi học bình thường. Tuy nhiên, nếu năm nào Tết rơi vào cuối tuần, chị Trang sẽ đi thăm đồng hương ở Thụy Điển và quây quần ăn uống mừng năm mới.
Tâm nguyện cháy bỏng nhất của những kiều bào xa quê như ông Tòng, anh Phương hay chị Trang trong năm mới là dịch bệnh sẽ được kiểm soát để có thể sớm trở về thăm quê hương sau bao năm xa cách.
"Nếu có một điều ước cho năm mới, tôi chỉ mong Covid-19 qua đi thật nhanh để mọi người đều có cuộc sống mạnh khỏe, hạnh phúc, và tôi có thể đón những cái Tết về sau bên gia đình", chị Trang cho hay.
Thanh Tâm