Thủ tướng Phạm Minh Chính cuối giờ chiều 17/5 (sáng 18/5 giờ Hà Nội) gặp gỡ kiều bào tiêu biểu, có đóng góp với đất nước tại San Francisco. Đây là sự kiện cuối cùng trong chuỗi hoạt động của Thủ tướng trong chuyến thăm và làm việc tại Mỹ, cũng là lần thứ ba người đứng đầu chính phủ tiếp xúc kiều bào trong một tuần công du.
Tại cuộc gặp, ông Toàn Phương, doanh nhân người Việt sống tại San Francisco, đề nghị chính phủ thành lập Ban công tác đặc biệt về kiều bào và bổ sung thêm các chính sách phù hợp với tình hình mới. "Khi đó, nguồn lực kiều bào sẽ được khơi dậy tốt hơn, thật sự trở thành nội lực phát triển đất nước", ông Phương nói.
Ông cho biết phần lớn trong số 2 triệu người Việt ở Mỹ đều có cái nhìn thiện cảm, tốt đẹp với quê hương. Nhiều người đã về thăm quê, thăm người thân để chứng kiến những bước phát triển kinh tế xã hội từng ngày của đất nước, trở thành động lực tinh thần cho những người khác tiếp tục trở về.
Là chủ một doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Phương mong muốn được về nước đầu tư, hoặc kết nối đầu tư giữa hai nước, đóng góp nhiều hơn cho quê hương. Dù vậy, ông băn khoăn các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa quen với đầu tư trong nước, khi gặp vướng mắc không biết sẽ được cơ quan nào giúp đỡ.
Ông bày tỏ mong muốn chính phủ có những biện pháp hỗ trợ, như giải quyết các vướng mắc về luật pháp, thông lệ khác nhau giữa hai nước, để cộng đồng doanh nhân gốc Việt ở Mỹ nói riêng và kiều bào ở nhiều nơi trên thế giới yên tâm đầu tư, phát triển kinh tế quê hương.
Lê Liên, thành viên Hội Thanh niên, Sinh viên Việt Nam tại Mỹ, cho hay nhiều trí thức trẻ sau thời gian dài tu nghiệp ở nước ngoài mong muốn trở về quê hương cống hiến. Tuy nhiên, do những khác biệt về văn hóa, nhiều trí thức trẻ chọn làm việc ở khu vực tư nhân, trong khi những người muốn tham gia bộ máy nhà nước lại chưa có điều kiện để tiếp cận cơ hội làm việc, thông tin thi tuyển công chức hàng năm.
Liên bày tỏ mong muốn Thủ tướng và các bộ trưởng xem xét xây dựng một cổng thông tin tổng hợp các cơ hội việc làm trong bộ máy nhà nước để trí thức đang ở nước ngoài có thể tìm hiểu, chuẩn bị trước khi trở về quê hương.
Cô cũng đề xuất khởi động các chương trình đào tạo ngắn hạn để giúp các trí thức trẻ người Việt ở nước ngoài chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về kiến thức, chính sách, quy định cũng như văn hóa làm việc của các cơ quan nhà nước.
Thượng tọa Thích Đức Tuấn, Chủ tịch Hội phật giáo Việt Nam tại châu Mỹ, cho biết nhiều con em người Việt thế hệ thứ ba ở nước ngoài "gần như quên tiếng Việt". "Vì vậy, cần chú ý duy trì, sinh hoạt tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để các cháu không quên đi cội nguồn", Thượng tọa nhấn mạnh.
Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn bà con kiều bào trong suốt 35 năm qua đã đóng góp cả vật chất và tinh thần để xây dựng đất nước, để Việt Nam "có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay".
Ông cho hay Việt Nam xác định cộng đồng người Việt ở nước ngoài là bộ phận không thể thiếu, không tách rời của cộng đồng dân tộc. Lãnh đạo chính phủ nhắn nhủ bà con Việt kiều cố gắng giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, yêu thương tôn trọng lẫn nhau, có tình cảm chân thành với người thân, bạn bè.
Thủ tướng cho biết khi làm việc với lãnh đạo Mỹ và những người có trách nhiệm ở Mỹ, ông đều đề nghị tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho bà con người Việt đang sinh sống ở nước sở tại. Các lãnh đạo, quan chức Mỹ đều đánh giá cao đóng góp của người Việt và cam kết tạo điều kiện giúp đỡ trên tinh thần tôn trọng luật pháp.
Thủ tướng giao các cơ quan nghiên cứu, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến xác đáng của bà con để có giải pháp phù hợp, xử lý theo quy định với thủ tục hành chính nhanh nhất có thể.
"Liên quan đến đào tạo ngắn hạn cho sinh viên ở nước ngoài, tôi thấy rất cần thiết vì những người học ở nước ngoài lâu năm thiếu thông tin, thiếu kiến thức pháp luật trong nước. Chính phủ sẽ cùng Bộ Ngoại giao nghiên cứu tổ chức thực hiện", Thủ tướng cho hay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ từ hôm 11/5, tham dự chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ diễn ra ngày 12-13/5, đồng thời thăm và làm việc tại Mỹ, Liên Hợp Quốc đến ngày 17/5.