Gỡ khó các vướng mắc xung quanh việc mang hai quốc tịch là vấn đề được nhiều kiều bào đề xuất với lãnh đạo TP HCM tại buổi gặp gỡ 50 đại biểu người Việt ở nước ngoài tiêu biểu, sáng 7/1. Đây là hoạt động thường niên của TP HCM mỗi năm trước dịp Tết Nguyên đán.
Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt tại Australia, chia sẻ 43 năm sống ở nước ngoài nhưng ông luôn nhớ bản thân là người Việt, ra khỏi Australia luôn dùng quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, ông cho rằng hiện số Việt kiều có quốc tịch Việt Nam còn quá ít.
Theo ông Phúc, nhiều kiều bào ở nước ngoài mong muốn có quốc tịch Việt Nam để trở về quê hương. Có người nộp hồ sơ, đợi một vài năm mà chỉ nhận được câu trả lời "đang kiểm tra" và không biết khi nào xong. "Tôi thấy có những thủ tục hơi căng", ông nói và cho rằng "không ai muốn từ bỏ quốc tịch Việt Nam" và mong TP HCM kiến nghị Chính phủ có quy định thông thoáng hơn trong việc cấp quốc tịch, hộ chiếu cho người Việt ở nước ngoài.
Dù đã được cấp quốc tịch, nhưng TS Nguyễn Trí Dũng (kiều bào Nhật) lại gặp khó trong thủ tục liên quan đến thân nhân. Ông kể có hai người con gái sinh ra tại Nhật và đã đăng ký công dân tại Đại sứ quán Việt Nam ở đây, được cấp hộ chiếu từ năm 1-2 tuổi và đã về Việt Nam sinh sống.
Tuy nhiên, khi về nước, ông đi xin giấy của cơ quan chức năng xác nhận hai người này là con gái của ông, nhưng gặp nhiều khó khăn. Đại sứ quán từ chối, chuyển sang Bộ Ngoại giao. Bộ lại đẩy sang Bộ Công an, rồi chuyển về UBND TP HCM, giao xuống Sở Tư pháp. Sở lại đẩy ngược về Bộ Tư pháp. "Vấn đề đang chạy vòng vòng và dừng lại ở Bộ Tư pháp. Tôi muốn được thông tin rõ ràng về vấn đề này", ông nói và đề xuất thành phố kiến nghị Trung ương giao thẩm quyền giải quyết các vấn đề cụ thể liên quan đến Việt kiều.
Trong khi đó, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), cho biết bản thân gặp khó trong đầu tư. Ông kể sau khi có Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi 2014, ông và gia đình là một trong những công dân đầu tiên được cấp quốc tịch Việt Nam song song quốc tịch Mỹ.
Theo doanh nhân này, khi Luật Đầu tư 2020 ra đời cũng quy định người có hai quốc tịch được làm bất cứ ngành nghề nào ở Việt Nam mà không bị cấm. Tuy nhiên, sau 38 năm làm trong ngành hàng không, vừa qua ông gặp "sự cố" khi đầu tư một dự án 3,5 tỷ USD bởi các ban ngành đặt vấn đề: Việt kiều hai quốc tịch có được kinh doanh hàng không hay không?
"Mất 8 tháng trời không có kết quả. Đề nghị thành phố kiến nghị Trung ương và các bộ ngành làm rõ Việt kiều hai quốc tịch thì có bị cấm đầu tư ngành nghề nào không", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói và cho rằng rất nhiều người Việt ở nước ngoài muốn về đầu tư ở quê hương quan tâm vấn đề này.
Ngoài ra, doanh nhân này cũng góp ý việc chuyển kiều hối lớn về nước đang gặp khó khăn khi phía ngân hàng "hạch hỏi nhiều quá", dù tiền này đã được phía Mỹ kiểm tra và đảm bảo "sạch".
Cũng tại hội nghị, nhiều kiều bào tại Australia, Nhật, Singapore, Mỹ, Hà Lan đều bày tỏ mong muốn làm đầu mối kết nối TP HCM với nước sở tại để tìm giải pháp trong nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, chống ngập, nông nghiệp, sinh học. TS Nguyễn Trí Dũng đề nghị thành phố gặp mặt Việt kiều thường xuyên, có thể là hàng tháng, với chủ đề rõ ràng về kinh tế, công nghệ... đề đồng bào hiến kế xây dựng đất nước.
Tiếp thu kiến nghị, hiến kế của các đại biểu, Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan hứa tổng hợp lại để báo cáo, kiến nghị Trung ương. Đặc biệt là các vấn đề pháp lý, quốc tịch, hoạt động của Việt kiều, về những vấn đề liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh, nguồn lực...
Trước đó, Phó bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết năm qua kinh tế thành phố phục hồi sớm hơn kỳ vọng, quy mô, tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực cơ bản đạt trạng thái trước khi Covid-19 xuất hiện. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) ước tăng 9,03% so cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra (6-6,5%).
Theo ông Hiếu, năm 2022, lượng kiều hối đưa về thành phố khoảng 6,8 tỷ USD cho thấy vai trò đóng góp của người Việt ở nước ngoài rất quan trọng. Nhiều trường hợp về đầu tư hoặc đóng góp cho gia đình, người thân trong nước. Ông mong kiều bào tiếp tục chung tay xây dựng TP HCM.
Theo đại diện Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2021, Việt Nam lọt vào top 10 nước nhận tiền kiều hối lớn nhất thế giới với số tiền hơn 18 tỷ USD, trong đó 53% đổ về TP HCM.
Thu Hằng