Bà Nguyễn Thị Quý, kiều bào ở Australia hơn 30 năm có ý định về sống tại Việt Nam trong vài năm tới, nói với VnExpress.net: "Tôi về nước lần này định tìm mua đất nhưng thấy ở đâu cũng đắt đỏ. Cách đây 5 năm em dâu gợi ý mua nhà quận 2 nhưng bây giờ khu này ít nhất cũng 1.500-2.000 USD mỗi m2".
Bà so sánh, ở Australia vợ chồng bà cũng có một căn nhà 900 m2 nhưng giá trị chưa tới 1 triệu USD, vị chi 1.100 USD mỗi m2, lại ở vị trí thuận tiện cho cuộc sống hằng ngày và công việc. Trong khi đó, nếu bà chọn Việt Nam làm điểm dừng chân, thì việc tìm mua nhà là bài toán khó. Bởi lẽ giá nhà đất Sài Gòn đắt hơn Australia còn công việc chưa biết có tốt như ở châu Âu hay không.
"Nếu kêu gọi Việt kiều về góp sức xây dựng quê hương nhưng chưa có chính sách về nhà ở để hỗ trợ thì rất khó, nhất là đối với giới trí thức trẻ", bà nói.
Ông Dương Nguyên Vũ, Việt kiều Pháp, sống ở châu Âu hơn nửa đời người cũng có kế hoạch xin về hưu sớm để hồi hương. Song nghĩ về việc mua và sở hữu căn nhà riêng tại Sài Gòn, ông ngần ngại chia sẻ: "Trong vài năm tới chắc chắn tôi sẽ có nhu cầu về nhà ở, nhưng tôi thấy giá nhà Việt Nam, đặc biệt là tại TP HCM đắt đỏ và cao hơn Paris rất nhiều".
Bất động sản TP HCM bị kiều bào chê là đắt đỏ so với các nơi họ đang sống tại nước ngoài. Ảnh: Vũ Lê. |
Theo khảo sát của các đơn vị tư vấn CBRE, Savills, bất động sản tại Việt Nam, điển hình là TP HCM, luôn giữ vị trí trong hàng top các quốc gia và vùng lãnh thổ có giá đắt đỏ nhất. Còn các chuyên gia bất động sản tại Việt Nam lại cho rằng, sở dĩ giá nhà đất Sài Gòn ngất ngưởng là do quỹ đất eo hẹp trong khi di dân cơ học không ngừng tăng lên khiến đô thị cứ phình to vượt sức chứa.
Trên thực tế, dù năm 2009 khá ảm đạm và đã trải qua cơn đại hạ giá trong suốt năm 2008, nhưng thị trường bất động sản vẫn chứng kiến cảnh “giá quá cao, vượt quá khả năng của người dân”. Điều này tạo ra thách thức việc giải quyết nhà ở. Thống kê của Bộ Xây dựng, tại TP HCM giá nhà trung bình hơn 20 triệu đồng mỗi m2, ở ngoại thành giá cũng trên 10 triệu đồng, ảnh hưởng nhiều đến người dân, đặc biệt là người nghèo.
Nhiều kiều bào đánh tiếng rằng, các thủ tục pháp lý về quốc tịch, quyền sở hữu nhà ở để hỗ trợ họ tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực sự của bà con. Nói như Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM Lương Bạch Vân, khoảng 80% người nước ngoài có nguyện vọng muốn được nhập tịch và mua nhà tại Việt Nam để an cư. Song số lượng kiều bào thực hiện được nguyện vọng này lại rất hạn chế.
Trong buổi tọa đàm về Luật Quốc tịch và Luật Nhà ở, tổ chức tại TP HCM, ngày 31/1, Cục trưởng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà cho biết, những trục trặc, khúc mắc của kiều bào về nhà ở đã được Quốc hội đem ra bàn thảo để tìm giải pháp. Tuy nhiên, ông mong kiều bào thông cảm vì cần có thời gian để điều chỉnh, sửa đổi luật.
Vũ Lê