Nghiên cứu mới trên tạp chí Antiquity cho thấy một kiệt tác nghệ thuật hơn 3.300 năm tuổi của Ai Cập cổ đại có những chi tiết tinh xảo đến mức các nhà khoa học có thể xác định chính xác những loài chim được khắc họa, Phys hôm 28/12 đưa tin. Nhóm nghiên cứu gồm tiến sĩ Christopher Stimpson tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên thuộc Đại học Oxford, giáo sư Barry Kemp tại Đại học Cambridge, cùng các cộng sự.
Những chuyến khai quật tại Amarna, kinh đô của pharaoh Akhenaten (1347 - 1332 trước Công nguyên) vào năm 1924 đã phát hiện một cung điện thuộc về Meritaten, con gái của Akhenaten và nữ hoàng Nefertiti, với nhiều phòng được trang trí lộng lẫy. Một trong số đó là Phòng Xanh với bức tranh quý hiếm về các loài chim tại đầm lầy cói.
Gần 100 năm sau khi bức tranh được phát hiện, Stimpson và Kemp bắt đầu nhận dạng những loài chim trong Phòng Xanh. Họ nghiên cứu dữ liệu điểu học hiện đại và bản sao chất lượng cao của bức tranh. Cuối cùng, họ xác định được nhiều loài như bồ câu đá (Columba livia), bói cá nhỏ (Ceryle rudis), bách thanh lưng đỏ (Lanius collurio) và chìa vôi trắng (Motacilla alba).
Các họa sĩ cổ đại có thể đã đưa ra gợi ý cho những người quan sát chim vì chim di cư được chú thích bằng một hình tam giác. Bức tranh cũng khắc họa bồ câu đá - loài chim không phải động vật bản địa của đầm lầy cói. Thay vào đó, chúng đến từ những vách đá sa mạc lân cận.
Nhóm nghiên cứu cho rằng có thể họa sĩ đưa chúng vào để khiến khung cảnh trong tranh trông đẹp và hoang dã hơn. Họ cũng nhận định, bức tranh về thế giới tự nhiên giúp biến Phòng Xanh thành một nơi thư giãn.
"Phòng Xanh rất có khả năng là nơi nghỉ ngơi và thư giãn, dù không ai có thể khẳng định chắc chắn. Hình minh họa trong các lăng mộ đá ở Amarna có bối cảnh tương tự, cho thấy nơi phụ nữ thư giãn, giao lưu và chơi nhạc. Trong Phòng Xanh, khung cảnh thiên nhiên có thể giúp cải thiện bầu không khí. Hiệu quả làm thư giãn của thế giới tự nhiên rất quan trọng vào thời xưa, cũng giống như thời nay vậy", Stimpson nói.
Thu Thảo (Theo Phys)