Cô gái 22 tuổi tan ca ở chỗ làm trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1 lúc 16h nhưng thấy trời mưa to nên nán lại. 18h, An dắt xe về nhà ở đường Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức, cách đó 8 km.
Cô chạy được hai km đến quận Bình Thạnh thấy xe đổ xuống đường càng đông, nhiều đoạn tắc nghẽn, dòng người phải bò từng chút một. Ở đoạn Ung Văn Khiêm, An không thể nhúc nhích hơn 20 phút. Phía trên, đèn giao thông chuyển màu bốn lần cô vẫn không thoát được ngã tư này.
Nghĩ đứng đây có lẽ nửa đêm cũng không về được nhà, An rẽ vào hẻm nhỏ đoạn gần đường Võ Oanh nhưng vướng nhóm học sinh trường, xe ôtô phụ huynh đón choáng lối đi. Cô lần nữa mắc kẹt.
Ra được đường Nguyễn Gia Trí trời lại mưa to. Lúc này, cô đã thấm mệt, bụng cồn cào nên tấp xe vào một quán ăn đợi hết kẹt xe thì về. Sau 30 phút, An trở ra thì con đường vẫn chật cứng người.
20h, cô về đến nhà, lưng mỏi nhừ, người ướt sũng. "Mệt mỏi, chỉ muốn ngả lăn trên giường", cô nói. Quãng đường mọi khi chỉ hết 30 phút di chuyển, hôm nay An mất hơn hai tiếng.
Đức Tiến, 29 tuổi, phải nhắn tin hủy hẹn với bạn khi đang đứng giữa dòng xe ở đường Điện Biên Phủ, quận 1.
17h30, anh có việc ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh và bị tắc trong dòng xe hơn 20 phút. Đường về còn gian nan hơn bởi Tiến phải đi ngang khu vực Ngã tư Hàng Xanh, đoạn đường kẹt 5 km trong chiều 8/10.
"Xe nhích từng chút, mất gần nửa tiếng để đi qua đoạn này", anh kể. Thậm chí, xe cấp cứu cũng tắt còi bởi không thể len giữa dòng xe đông kín.
Bị kẹt hơn một giờ, Tiến mệt mỏi định bụng gửi xe máy vào quán cà phê hoặc nhà hàng nhưng nhận ra không thể đón xe ôm công nghệ vào thời điểm này. Cả lề đường cũng không còn chỗ, anh tiếp tục chịu trận đến hơn 19h mới rời khỏi quận 3 hướng về nhà.
Từ 14h30 ngày 8/10, TP HCM có mưa nặng hạt kèm sấm sét, ngập nặng ở nhiều tuyến đường quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức như Chu Văn An, Đinh Bộ Lĩnh, Đặng Văn Bi, Võ Văn Ngân, Dương Văn Cam.
Sau cơn mưa, các đoạn đường như đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), khu vực Ngã tư Hàng Xanh kẹt xe dài khoảng 5 km, tắc nghẽn giao thông.
Đây là nơi giao nhau giữa hai trục đường lớn Điện Biên Phủ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, kết nối giao thông giữa cửa ngõ phía Đông với trung tâm TP HCM. Trước đó, nút giao này là một vòng xoay, sau đó do mật độ xe qua khu vực lớn, thành phố cho phá bỏ và xây dựng cầu vượt thép. Tuy nhiên, lưu lượng xe qua khu vực ngày càng tăng, nên giao lộ thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm và là một trong 6 "điểm đen" ùn tắc ở thành phố mới phát sinh trở lại.
Hàng loạt tuyến đường bị tê liệt trong giờ tan tầm và tối 8/10 đã làm người dân thành phố điêu đứng vì mắc kẹt. Nhiều người cho biết đã mất hơn một giờ mới có thể rời khỏi trung tâm thành phố, thay cho 15 phút như thường ngày.
Warren, 29 tuổi, sống ở phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, nơi nước ngập nửa mét sau cơn mưa chiều 8/10. Chàng trai người Anh sống ở Việt Nam 5 năm, hiểu mưa lớn đồng nghĩa sẽ kẹt xe nhưng không ngờ tình huống nghiêm trọng hơn anh tưởng.
17h30, anh kết thúc tiết dạy ở trường học đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh và mắc kẹt 30 phút trong dòng xe. Cả người ướt sũng, anh cố nhích từng chút một để ra khỏi trung tâm thành phố.
"Tôi chỉ lo xe bị chết máy thì sẽ thành thảm họa", anh nói. Đoạn đường 6 km thường mất 20 phút di chuyển đã kéo dài hơn 45 phút. Hai người bạn của anh cũng trong tình trạng tương tự, họ hủy buổi chơi pickleball tối 8/10.
"Rã rời, mệt mỏi và không muốn làm gì thêm", anh kể.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, nhiễu động gió trên cao gây mưa lớn tại nhiều quận, huyện tại TP HCM, một số nơi lượng mưa trên 50 mm. Những ngày tới, Nam Bộ tiếp tục có mưa to và rất to.
Do mây đối lưu phát triển rất mạnh gây mưa dông mạnh, kèm sấm sét nhiều nơi ở TP HCM. Khi giông sét, người dân chú ý không đậu xe, trú mưa dưới gốc cây, tránh xa các vật kim loại, dẫn điện.
Ngọc Ngân