Theo Independent, các nhà nghiên cứu từ Đại học College London, Anh và Viện Sức khỏe Inserm, Pháp đã thực hiện một cuộc nghiên cứu kéo dài hơn 30 năm với hơn 9.000 người tham gia. Kết quả có 397 trường hợp chứng mất trí nhớ được ghi lại. Trong đó, người không uống rượu suốt cuộc đời có nguy cơ mắc chứng mất trí cao hơn 50% so với người uống ít hoặc vừa phải là dưới 14 đơn vị trong một tuần. Nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Y Khoa Anh.
Một đơn vị tương đương với 25 ml rượu độ cồn 40%. Ví dụ, một ly rượu vang 125 ml tiêu chuẩn 12 độ tương đương 1,5 đơn vị, một lon bia 330 ml có độ cồn 5% là 1,7 đơn vị. Đây là mức tiêu thụ tối đa được NHS (Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh) khuyến cáo an toàn đối với người trưởng thành.
Người uống nhiều hơn mức tiêu thụ an toàn cũng có nguy cơ cao dẫn đến bệnh mất trí nhớ. Trên 14 đơn vị rượu, cứ 7 đơn vị tăng thêm mỗi tuần sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh 17%.
Tiến sĩ Sevil Yasar thuộc Trường Y John Hopkins, Mỹ, giải thích: "Trong rượu có chứa các hợp chất polyphenolic có tác dụng bảo vệ thần kinh, mạch máu và tim mạch thông qua giảm viêm, ức chế kết tập tiểu cầu và thay đổi cấu hình lipid trong máu".
Đồng ý với nhận định trên, tiến sĩ Sara Imarisio, người đứng đầu nghiên cứu tại Alzheimer's Research, Mỹ, bổ sung trong tương lai nghiên cứu cần phải kiểm tra thói quen uống rượu của một người trong suốt cuộc đời. Điều này giúp làm sáng tỏ thêm mối quan hệ giữa rượu và chứng mất trí.
"Những người kiêng rượu có thể đã có tiền sử uống rượu nặng. Điều này có thể gây khó khăn cho việc giải thích mối liên hệ giữa uống rượu và sức khỏe", bà Sara nói.
Tạp chí Y Khoa Anh viết: "Uống rượu một cách an toàn đã được chứng minh giúp phòng ngừa nhiều bệnh bằng cách giảm cholesterol và huyết áp. Trong số những người kiêng cữ, nghiên cứu cũng phát hiện thấy nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch gia tăng. Đây là hai nguyên nhân có thể gây ra chứng mất trí nhớ".
Tuy nhiên, các tác giả cho biết họ không khuyến khích bất cứ ai đang kiêng rượu phải thay đổi thói quen của mình.