Giữa trưa tháng Chạp, ông Nguyễn Văn Dị (53 tuổi, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách) đang dùng cọ, giấy nhám chà bên ngoài chú trâu mini được đắp nổi bằng xi măng trên gốc dừa kiểng. Sau khi dùng đục tạo hình tai, mắt, mũi, nghệ nhân đưa tượng trâu ra phơi nắng.
Phía ngoài cổng xưởng, hàng chục linh vật thành phẩm được sơn vàng. Phần thân dừa bonsai được nghệ nhân điều chỉnh thành đuôi trâu khá ngộ nghĩnh.
Theo ông Dị, đây là sản phẩm mới ra mắt. Để làm, nghệ nhân dùng thanh sắt cố định vào gốc dừa, sau đó đắp xi măng tạo hình. Không quá khó, nhưng mất khoảng nửa ngày để hoàn thành, mỗi con trâu được bán với giá một triệu đồng.
Ngoài trâu xi măng, trâu tắc kiểng (quất), xưởng ông còn gia công thêm trâu bằng bông trang để đa dạng sản phẩm.
Bên trong xưởng, anh Nguyễn Văn Nghiệp, nhân công được nghệ nhân thuê cũng đang hoàn thành phần đầu, thân trâu từ một bụi tắc. Cạnh đó, một chú trâu bông trang đã hình thành có giá 3 triệu đồng, bằng giá với trâu tắc kiểng.
"Thợ ráp tắc ăn khoán sản phẩm, vật liệu do chủ lo, mình chỉ gia công, khi hoàn thành một con sẽ nhận được khoảng 400.000 đồng", anh Nghiệp nói.
Theo anh Nghiệp, so với tắc, tạo hình trâu bằng bông trang đơn giản hơn, vì cây trang chỉ có lá, hoa, còn tắc phải xếp cả trái nên đòi hỏi công phu. Ưu điểm của trâu tắc bắt mắt hơn nhưng trái dễ bị hư khi ẩm ướt, nên phải từ 9h sáng sau khi sương khô hết mới gia công được.
Để tạo hình linh vật, nhiều nghệ nhân như ông Dị phải đặt mua tắc bụi từ tháng 10, 11. Những năm trước, từ đầu tháng 12 âm lịch, ông đã nhận đơn đặt hàng hàng chục cặp kiểng tắc linh vật. "Năm nay Covid-19, nên việc buôn bán khá ế ẩm, còn nửa tháng nữa đến Tết mà vẫn chưa có ai đặt làm", nghệ nhân nói.
Xung quanh xưởng, nhiều khung sắt được hàn hình trâu nằm chơ vơ, mạng nhện phủ đầy. Do không có đơn hàng chủ lực từ TP HCM và các tỉnh miền Đông, ông Dị định bàn với vợ sẽ chở sản phẩm đến Đồng Tháp bán.
Đi dọc quốc lộ 57, từ xã Hưng Khánh Trung B đến các xã Vĩnh Thành, Phú Sơn, khách có thể thấy sản lượng hoa kiểng phục vụ Tết năm nay giảm đáng kể.
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chợ Lách cho biết, địa phương có 13.000 hộ dân trồng hoa, cây cảnh, tổng cộng hơn 600 ha, với khoảng 15 đến 17 triệu sản phẩm phục vụ Tết. Năm nay, thời tiết khá thuận lợi cho hoa kiểng, nhưng do dịch bệnh nên đa số người dân đều tự giảm sản lượng để hạn chế rủi ro.
Chợ Lách là thủ phủ hoa thứ hai ở miền Tây, sau làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp). Cuối năm 2019, nơi này bị hạn mặn xâm nhập, ảnh hưởng nghiêm trọng. Tỉnh Bến Tre đã hỗ trợ gần 39 tỷ đồng cho người dân khôi phục sản xuất.
Hoàng Nam