Theo nhà nghiên cứu Vũ Quốc Trung, việc đi xem ngày cưới, xông đất, làm nhà, khởi hành... là tập tục có từ rất lâu đời của người Việt, dù có phải là người cuồng tín hay không. Bởi lẽ niềm tin rất quan trọng, nó làm cho con người tự tin, có sức mạnh, làm cái gì cũng thuận lợi hơn. Đi xem trước "tương lai" đúng ra chỉ là một cái cớ để con người tự tin hơn.
Việc các cặp đôi xem tuổi trước khi cưới dựa trên lý luận cổ phương đông là 3 thuyết âm dương, ngũ hành và can chi. Trong học thuyết âm dương, mọi sự vật hiện tượng đều tồn tại ở 2 mặt đối lập, có âm, có dương. Một sự vật trong mối quan hệ với cái này là dương, với cái kia lại là âm và mọi sự chỉ tương đối.
Với thuyết ngũ hành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, tồn tại hai khái niệm tương sinh, tương khắc. Tương sinh là giúp nhau cùng phát triển, còn tương khắc thì không hợp nhau. Theo đó, cứ hai hành kế tiếp nhau thì sinh (hợp), còn đứng cách nhau một hành khắc (phá) là tương khắc.
Theo dịch học, hệ Can - Chi gồm có 10 Thiên Can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý) và 12 địa Chi (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi).
Nhà nghiên cứu nói, con người sinh ra trong không gian và thời gian đều ứng với âm dương, ngũ hành, can chi. Ba thuyết này quyết định tính cách, số mệnh của từng người và đó là căn cứ để xem các cặp đôi sắp cưới xem có hợp nhau hay không.
"Bản thân tử vi không mê tín đoan mà là do một số người vì thiếu hiểu biết hay muốn trục lợi làm cho nó trở nên sai lệch với tư tưởng của cổ nhân", thạc sĩ nguyên cứu kinh dịch, phong thủy, tử vi, nhân tướng, tâm linh Vũ Quốc Trung nói.
Ông Trung dẫn ví dụ, hiện giờ làm việc gì không ít người cũng dựa vào "tứ kim lâu, tứ hành xung". Để hóa giải tứ kim lâu, dân gian còn bày mẹo cưới 2 lần, tức về nhà chồng lần 1 rồi trốn về mẹ đẻ. Lần đón dâu sau mới về hẳn. Ông Trung khẳng định đây chỉ là kinh nghiệm, mẹo dân gian, bản thân ông cũng không tin.
"Ngoài ra, các điều kiêng kỵ như mặc đồ vàng, kỵ dao kéo, kim loại trong ngày cưới hay đốt lửa, đi cửa sau, cưới vài lần... chỉ là những quan niệm dân gian cầu mong được may mắn, suôn sẻ. Rồi ngay cả quan niệm gái tuổi giáp cao số, 'trai đinh, nhâm, quý thì sang. Gái đinh, nhâm, quý sang 2 lần đò' cũng chỉ có trong dân gian truyền nhau, không có cơ sở khoa học", nhà nghiên cứu Vũ Quốc Trung cho biết.
Thêm vào đó, xem ngày cưới là chỉ xem tuổi của vợ và chồng, chứ không phải xem cả tuổi nàng dâu với gia đình chồng. Tuy nhiên, ngày nay có không ít người thiếu hiểu biết, đi xem cả tuổi mẹ chồng, nàng dâu.
"3 học thuyết trong cổ học phương đông đúng nhưng chỉ mang tính tương đối. Không thể chỉ dựa vào xem bói mà quyết định được yêu, được cưới, vì theo tôi yếu tố quyết định hôn nhân hạnh phúc thuộc về tình cảm. Một cặp vợ chồng tuy kỵ nhau nhưng hai người biết hài hòa, trong ấm ngoài êm thì ắt sẽ hạnh phúc", nhà nghiên cứu Vũ Quốc Trung một lần nữa khẳng định.
Theo nhà nghiên cứu Doãn Phú - Ban Phong thủy, Viện nghiên cứu và ứng dụng Tiềm năng con người, xem ngày trước khi cưới khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Ngoài dựa trên âm dương, ngũ hành, can chi để xem trai gái có hợp nhau, còn dựa vào các chòm sao.
"Theo thời gian, các chòm sao, ngũ hành dần thay đổi, cho nên những tính toán trước kia có thể là đúng thì đến giờ lại sai lệch. Nhất là khi mỗi thời đại còn chịu những ảnh hưởng của kinh tế, chính trị, sự phát triển của xã hội", nhà nghiên cứu Doãn Phú cho biết.
Là một nhà nghiên cứu phong thủy có tên tuổi, ông Doãn Phú tiếp tục khẳng định không nên vì đi xem tuổi không hợp mà cấm đoán các đôi trai gái trẻ hay bày vẽ "phú quý sinh lễ nghĩa".
"Thực tế nhiều người cưới vào ngày tốt, giờ đẹp, mọi chuẩn bị đều hoàn hảo nhưng ly hôn, tan vỡ gia đình vẫn xảy ra. Theo tôi, không nên dựa vào tử vi, lý số quyết định chuyện hôn nhân. Yếu tố tìm hiểu, hòa hợp, yêu thương nhau quyết định tới 60% hạnh phúc gia đình. Cần nhất phải là một gia đình hòa thuận, vợ chồng hiểu nhau, thế mới có hôn nhân lâu bền", nhà nghiên cứu Doãn Phú bày tỏ.
Phan Dương