Trong bộ trang phục năng động quen thuộc quần jeans, áo thun cùng cái đầu trọc, thạc sĩ, kiến trúc Phạm Thanh Truyền toát lên một phong cách đơn giản. Anh say mê chơi đàn ghi ta, ánh mắt mơ màng. Đó là những phút thư giãn cuối ngày của người sáng lập kiêm CEO Cát Mộc Group (CMG). Đằng sau vẻ lãng tử đó, anh được nhiều đồng nghiệp và nhiều chủ đầu tư nhận xét là một người rất nghiêm túc, chỉn chu với công việc và luôn tâm huyết với những ngôi nhà đẹp cũng như sự phát triển của kiến trúc Việt Nam.
Gặt hái thành công trong vai trò kiến trúc sư
Tốt nghiệp thủ khoa, anh Phạm Thanh Truyền được giữ lại làm giảng viên trường Đại học Kiến trúc TP HCM. Tương lại đầy hứa hẹn tại môi trường sư phạm không giữ chân anh được lâu. Vốn là người năng động, thích sự tự do, độc lập, anh đã vươn ra ngoài, thành lập doanh nghiệp riêng vào năm 2004 để thử thách bản thân và thỏa sức sáng tạo.
Theo đuổi phong cách đơn giản, hài hoà với tự nhiên, kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền chia sẻ, bản thân anh xuất thân từ gia đình ba mẹ đều là nông dân nên anh cũng muốn những sản phẩm mình làm ra luôn gắn liền với sự thân thiện và hiền hòa của con người, gắn kết con người và thiên nhiên. Đó chính là lý do anh chọn tên Cát Mộc để đặt cho công ty của mình. Ngoài ra, cát và mộc (gỗ) là hai nguyên liệu không thể thiếu trong xây dựng. Cát còn có nghĩa Cát Tường, Mộc ở trong Mộc Mạc.
17 năm qua, người đứng đầu Cát Mộc Group đã cùng các cộng sự thiết kế hàng nghìn công trình, từ nhà phố, biệt thự, quán cà phê, homestay, cao ốc văn phòng đến bệnh viện..., trải dài khắp mọi miền đất nước. Mỗi năm, thương hiệu Cát Mộc thực hiện khoảng hơn 100 công trình. Năm 2014, Cát Mộc được tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là Đơn vị Tư nhân Thiết kế Bệnh viện nhiều nhất Việt Nam. Tính đến nay, kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền cùng các cộng sự của Cát Mộc đã thiết kế hơn 50 công trình bệnh viện lớn nhỏ tại Việt Nam.
Nhiều công trình của anh và Cát Mộc đã giành các giải thưởng kiến trúc. Đơn cử, công trình Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ giành giải Bạc Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2016. Tại Đại hội Liên hiệp Hội Kiến trúc sư Quốc tế - UIA 2017, tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc, cá nhân Phạm Thanh Truyền lại được Hội Kiến trúc sư thế giới vinh danh là một trong 100 kiến trúc sư toàn cầu năm 2017. "Giải thưởng này đến với tôi như một giấc mơ, đến bây giờ mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn thấy lâng lâng như mới hôm qua. Và cách để giấc mơ này không tan biến chính là phải cố gắng, phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng với danh hiệu này...", anh tâm sự.
Luôn đặt mình vào vị trí của khách hàng để hoàn thiện những sản phẩm tốt nhất có thể chính là kim chỉ nam trong công việc của kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền. Kinh nghiệm dày dạn tích lũy được trong quá trình hành nghề của bản thân, có sự tiếp sức của các cộng sự là những kiến trúc sư, kỹ sư trẻ, năng động, nhạy bén đã giúp anh đưa Cát Mộc ngày càng phát triển, kể cả trong thời kỳ nhiều doanh nghiệp và cả xã hội gặp khó khăn do Covid-19 như thời gian qua. Để công việc trơn tru còn nhân viên cũng yên tâm làm việc, anh đã tổ chức cho nhân viên đón Tết tại công ty, hay cắm trại tại công ty trong những ngày giãn cách xã hội.
Luôn say mê các công trình kiến trúc đẹp, kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền chia sẻ: "Đối với tôi, một công trình kiến trúc đẹp không những đạt các yếu tố về mặt thẩm mỹ, kinh tế hay sự bền vững mà quan trọng nhất là phải có công năng tốt, phù hợp với văn hóa gia đình của mỗi chủ đầu tư...".
Anh lý giải ngoài sự phù hợp ngân sách đầu tư thì quan trọng, công trình phải đáp ứng được công năng sử dụng của chủ nhà. Dựa vào số người sử dụng và cách thức sử dụng mà kiến trúc sư sẽ điều chỉnh sao cho vừa vặn, không thừa cũng không thiếu. Việc lựa chọn nguyên vật liệu không những đáp ứng về thẩm mỹ mà còn quyết định tính bền vững của ngôi nhà. Sự trường tồn luôn luôn được xem trọng trong thiết kế, từ đó đặt nền móng cho cái đẹp. "Tôi sẽ rất vui khi chủ nhà yêu thích ngôi nhà của họ và họ nhìn thấy chính bản thân của mình trong đó", anh nói.
Luôn nghĩ cho chủ nhà, anh được nhiều khách hàng đánh giá cao. Chị Thu Vân, ngụ tại quận 11, TP HCM từng tâm sự chị rất hài lòng với thiết kế của anh. Chị cho biết, làm nhà mới cho bản thân hay cả những người thân, chị luôn nhờ anh và đội ngũ Cát Mộc thiết kế, thi công.
"Chúng ta đang sống ở một thế giới phẳng, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và nhiều ngành đang thay đổi hàng ngày, hàng giờ... Hiểu được điều đó, tôi và CMG luôn tìm tòi đổi mới, sáng tạo để nâng cao hơn chất lượng phục vụ cộng đồng; tìm kiếm những giải pháp mới đem lại sự thoải mái hơn, tiện nghi và giá thành hợp lý cho khách hàng", anh Truyền chia sẻ.
Kiến trúc sư kiêm nhạc sĩ
Không chỉ dành tâm huyết cho những tác phẩm kiến trúc, anh còn thể hiện tình yêu kiến trúc bằng cách trải lòng trong những sáng tác âm nhạc. Bài hát "Là kiến trúc sư" của anh vừa được ca sĩ Nguyễn Phi Hùng thu âm, được chia sẻ rộng rãi trên mạng. Hay ca khúc "Vì anh là kiến trúc sư" do chính anh sáng tác và thể hiện cũng được nhiều bạn bè, đồng nghiệp thích thú. Ngoài ra, Phạm Thanh Truyền còn là tác giả của nhiều ca khúc khác...
Anh vẫn nhớ, thời học cao học, được nghe một người thầy chia sẻ về mối tương quan giữa kiến trúc và các ngành nghệ thuật khác. Từ đó anh bắt đầu tìm hiểu về âm nhạc. Trong âm nhạc có 7 nốt, từ trầm tới bổng, việc của người nhạc sĩ là sắp xếp các nốt nhạc sao cho hòa hợp, tạo ra một giai điệu hay, đi vào lòng người. Kiến trúc cũng vậy. Với việc phối hợp các các khối, đường nét và màu sắc, một kiến trúc sư có thể tạo ra một công trình phù hợp với tính cách, lối sống của chủ đầu tư, đồng thời cũng thể hiện phong cách thiết kế của chính mình. Những người yêu nghề, có tâm với nghề đều mong muốn tác phẩm của mình được ghi nhận và riêng biệt so với các công trình khác.
Mong muốn lan tỏa tình yêu âm nhạc, hướng tới sự kết hợp giữa nghệ thuật và giải trí, anh mở quán cà phê Tượng, như một điểm hẹn của những người yêu nhạc và yêu guitar acoustic. 12 năm qua, cà phê Tượng đều tổ chức giải "Tiếng hát Tượng" thường niên giúp các bạn trẻ yêu nhạc tự tin trình diễn trên sân khấu trước đông người.
Kiến trúc sư kiêm thầy giáo, cộng tác viên báo chí....
Dù đã tạm biệt trường đại học Kiến trúc nhưng thạc sĩ Phạm Thanh Truyền vẫn gắn bó với công việc giảng dạy, đào tạo. Bên cạnh chú tâm phát triển thương hiệu trong lĩnh vực thiết kế xây dựng, anh còn quan tâm xây dựng thế hệ kế cận. Hàng năm, thạc sĩ Phạm Thanh Truyền vẫn nhận lời hướng dẫn đồ án tốt nghiệp cho sinh viên kiến trúc của một số trường đại học tại TP HCM. Đáng nói hơn, trung tâm Đào tạo Kiến trúc DORIC, một trong những thương hiệu của Cát Mộc Group đã đào tạo được nhiều khóa họa viên kiến trúc, cung cấp cho thị trường lao động một lượng họa viên kiến trúc thực hành nhất định. Mỗi năm, trung tâm DORIC còn đào tạo luyện thi đại học cho hơn 200 học viên thi vào ngành kiến trúc, với tỷ lệ đậu đến 95%. DORIC đã được Văn phòng Tổ chức Đánh giá và Chứng nhận quốc tế QMS tại Việt Nam, Mạng Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam và Viện Nghiên cứu Phát triển Doanh nghiệp Vừa và nhỏ trao tặng giải thưởng "Thương hiệu có dịch vụ tốt nhất Việt Nam" năm 2014.
Đa tài, thấu hiểu nhiều lĩnh vực, kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền được hãng sơn TOA mời làm đại sứ thương hiệu. Nhiều hãng vật liệu xây dựng, điện gia dụng cũng mời anh làm chuyên gia trải nghiệm sản phẩm của mình. Với những kiến thức và tâm huyết với ngành kiến trúc, anh còn làm nhận lời làm cộng tác viên cho chuyên mục nhà đẹp – kiến trúc của đài truyền hình VTV3, HTV7, Vĩnh Long, Cần Thơ... và các báo như VnExpress, VOH, Thanh niên, Zing...
Tham khảo một số tư vấn cho độc giả VnExpress của kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền tại đây.
Kim Anh