Thứ sáu, 15/11/2024
Thứ ba, 18/1/2022, 07:00 (GMT+7)

Kiến trúc sư bán tuổi thơ qua tiểu cảnh

Luôn khắc khoải hình ảnh con trâu, bờ rạ, lũy tre khi xa quê, Nguyễn Hữu Phúc quyết định chuyển từ thiết kế công trình sang làm các tiểu cảnh đồng quê Việt Nam.

Cơ duyên đến với nghề của Phúc bắt đầu từ những năm còn là sinh viên ngành kiến trúc, đi làm thêm dựng mô hình cho các công ty bất động sản. Sau khi ra trường, anh nhận ra bản thân đam mê làm mô hình hơn thiết kế công trình. Hữu Phúc cùng anh họ chính thức dấn thân vào lĩnh vực này từ đầu năm 2021.

"Xa nhà mình luôn nhớ về hình ảnh con trâu, bến nước, lũy tre, nên nghĩ nhiều người cũng chung nỗi khắc khoải này. Mình làm tiểu cảnh xuất phát từ điều đơn giản này thôi", Hữu Phúc, 26 tuổi, quê Gia Lai, đang sống ở TP HCM, nói.

Các nguyên liệu chính làm nên tiểu cảnh đồng quê gồm đất sét, epoxy resin (một loại keo trong suốt), sơn, gỗ lũa... Theo Phúc, khâu khó nhất trong quá trình là tìm tòi nguyên liệu sao cho giống với tự nhiên nhất. Ví dụ ban đầu anh dùng nhựa và vật liệu tổng hợp để làm bụi tre, nhưng thấy chưa thật, nên đã tìm đến những bụi tre ngà, cắt về những đọt tre nhỏ, từ đó sơn lại tạo ra những bụi tre sống động.

"Một trong những sáng tạo khiến mình tự hào nhất là làm ra mặt nước mà nhìn thấy ai cũng tưởng nước thật", Phúc nói. Để làm được, anh trải qua hàng chục lần thử nghiệm, kết hợp nhiều hỗn hợp khác nhau, từ đó tìm ra tỷ lệ chuẩn giữa các chất, đồng thời tính toán thời gian để tác động bằng những công cụ phù hợp, cuối cùng tạo ra mặt nước sâu, có các đợt sóng long lanh.

Tác phẩm đầu tiên "Sau mùa gặt" tái hiện hình ảnh từng đàn cò trắng đậu trên ruộng rạ bắt cá, mót lúa. Một số chú cò khác rỉa lông, rỉa cánh. Màu ruộng rạ bạc phếch, màu cây tre xanh um càng làm nổi bật lên những thân cò trắng phau, mảnh khảnh.

Ký ức tuổi thơ của ai hẳn sẽ có những buổi trưa trốn ngủ để trèo ổi, trèo me hay ra đồng bắt cua, bắt cá. Tuổi thơ của Phúc đã rất nhiều lần như vậy. Từ đây, anh dựng tác phẩm "Trốn ngủ trưa", với hai bạn nhỏ bắt cá dưới gốc dừa. Trên bờ là vài con cá rô be bé, hai đôi dép tổ ong đã mòn gót.

Đến tác phẩm thứ ba "Hồn quê", có hình ảnh con trâu đen bóng, bụi rơm, con cò, bến nước, bờ ao. "Về sau tác phẩm này được đón nhận nhiều nhất và đã ra rất nhiều các phiên bản khác nhau tùy theo yêu cầu của khách hàng", Phúc chia sẻ.

Những tác phẩm của Phúc không chỉ có yếu tố nghệ thuật, mà còn chứa đầy cảm xúc. Hồi tháng Năm, một khách hàng ở TP HCM đặt làm tác phẩm 6 người trong gia đình quây quần dưới mái nhà tranh, trong bữa cơm chiều, để tưởng nhớ về những ngày hạnh phúc bên bố. Theo Phúc, dựng tượng người đẹp không khó, nhưng phải làm sao cho có hồn. Vì tượng người chỉ cỡ hai ngón tay, anh phải soi kính lúp để làm. "Ở tuổi 37, anh khách này vẫn có thể thoải mái nói rất yêu ba, nhớ ba. Trong lòng anh ấy cha là cao cả, vĩ đại nhất", Phúc kể. Chính cảm xúc này đã dẫn dắt anh xuyên suốt quá trình làm tác phẩm.

Đến khi hoàn thành một tiểu cảnh với gam màu ký ức, thiên về nâu, bạc và vị khách hàng vô cùng ưng ý. "Đây là món quà đặc biệt nhất giúp chúng tôi nhớ về ba và sống vui, sống tốt thay cả phần ba", anh Trần Nguyễn Khánh Linh, người đặt làm tác phẩm này, chia sẻ.

Trong hơn 20 mẫu sản phẩm đã làm ra, Phúc mất nhiều công sức nhất vào quá trình làm tác phẩm "Đại lâm mộc" và "Chốn bồng lai". Cụ thể ở "Chốn bồng lai", chàng trai dùng kỹ thuật sơn nhiều lớp để tạo nên tấm đế bồng bềnh. Giữa gốc cây có dòng suối chảy xuống. Đây là kỹ thuật sử dụng epoxy lâu năm mới làm được. Đôi khi có những phiên bản "Chốn bồng lai", Phúc còn chế tác cả ý tưởng cá chép vượt vũ môn.

Chàng trai trẻ đã mày mò cách làm từ năm 2018, song chính thức bán sản phẩm từ tháng 5/2021. Ra thị trường trường đúng thời điểm đợt dịch thứ tư bùng phát, thành phố gần như đóng băng để phòng chống dịch nên công ty của Phúc gần như không hoạt động được. Ngay khi thành phố mở cửa lại, Phúc mới nhập được nguyên liệu để làm. "Chỉ trong ba tháng hoạt động, đã có 700 tác phẩm của chúng mình đến tay khách hàng ở nhiều tỉnh thành, có người còn đưa sang Mỹ, Đức, châu Phi", anh chia sẻ.

Giá cả các tác phẩm dao động từ hơn một triệu đồng đến 8 triệu đồng. Gần đây có một vị khách đặt tác phẩm Thần rừng, nguyên tác ban đầu là một con hươu đực có sừng dài rực rỡ, song khách đặt thêm một "thần rừng cái". "Tác phẩm này bán được 15 triệu đồng, quá sức tưởng tượng của mình", Phúc chia sẻ.

Thời điểm cận Tết Nhâm Dần, Phúc đang cho ra thị trường ba mẫu sản phẩm "Chúa sơn Lâm" và các tượng Phật. Hiện chàng trai đã nhận được trên 100 đơn đặt hàng Chúa sơn lâm. Trung bình mất ba ngày, anh sẽ cho ra một tác phẩm.

Nhiều người khuyên Phúc nên sản xuất công nghiệp để bỏ sỉ, tuy nhiên chàng trai xác định mình sẽ làm hoàn toàn thủ công, bởi một khi làm công nghiệp sẽ "không còn thấy cái hồn của những tiểu cảnh mang gam màu ký ức nữa".

Phan Dương
Ảnh: Nhân vật cung cấp