Thứ hai, 3/2/2025
Thứ tư, 10/4/2019, 00:00 (GMT+7)

Kiến trúc roman pha lẫn gothic tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

Lấy phong cách roman với kết cấu vòm cung làm chủ đạo, công trình còn thể hiện đặc điểm của kiến trúc gothic như cửa sổ hoa hồng, kính màu...

Nằm giữa trung tâm TP HCM, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là công trình có kiến trúc độc đáo do kiến trúc sư J. Bourad thiết kế và thi công trong giai đoạn 1877-1880. Trong quá trình xây dựng, toàn bộ vật liệu xây dựng từ xi măng, sắt thép đến ốc vít đều được mang từ Pháp sang, với tổng kinh phí thời đó là 2,5 triệu franc Pháp. Nét đặc biệt trong thiết kế nhà thờ là sự pha trộn độc đáo giữa nhiều phong cách kiến trúc khác nhau.

Nhà thờ làm theo dạng thánh thất Basilica với mặt bằng hình chữ thập dài, gồm một gian lớn chính giữa, hai hành lang cánh (cột cao, lấy ánh sáng qua các dàn cửa sổ trên cao) và hậu cung hình bán nguyệt. Kiến trúc thì làm theo phong cách roman có cải tiến ở bên ngoài nhưng cuốn vòm gãy kiểu gothic bên trong cùng kết cấu thép hiện đại chống đỡ cả công trình.

Phong cách roman với đặc trưng là các kết cấu vòm cung rất thịnh hành ở thời đế quốc La Mã xuất hiện dày đặc trên cửa sổ, cửa chính và các đường chỉ trang trí bên ngoài nhà thờ. Theo các tài liệu ghi chép lại, móng của công trình có thiết kế đặc biệt, có thể chịu tải gấp 10 lần khối kiến trúc nằm bên trên. Một điểm đặc sắc nữa là bề mặt công trình được xây toàn bộ bằng gạch trần và đá xanh, không hề tô trát. Cho tới bây giờ, vẻ ngoài của nhà thờ vẫn giữ nguyên màu gạch hồng tươi, không bị bám rêu mốc.

Công trình lúc đầu chưa có đỉnh nhọn trên tháp chuông, vào năm 1894 mới gắn thêm theo phương án của kiến trúc sư Gardes. Tháp chuông cao 57m, suốt một thời gian dài nằm ở vị thế cao nhất khu trung tâm thành phố (cao độ 10m so với mặt biển). Nhờ vậy mà du khách đến Sài Gòn vào thời điểm đó, hầu hết theo đường biển, đều nhìn thấy nóc chuông nhà thờ này trước tiên.

Bên cạnh các cuốn hình bán nguyệt, mặt ngoài của nhà thờ còn tạo ấn tượng bởi các chi tiết trang trí hình tròn theo dạng hoa hồng. Cửa sổ hoa hồng là đặc trưng của kiến trúc gothic, có thể bắt gặp trong tất cả các thánh đường gothic lớn của miền Bắc nước Pháp.

Ở mặt trước công trình, giữa 2 tháp chuông, dưới đỉnh mái có một đồng hồ lớn. Nhìn trên mặt đứng công trình, mặt của chiếc đồng hồ này như một ô cửa sổ, nhưng bên trong nó là một bộ máy khá đồ sộ, nặng tới hơn một tấn. Chiếc đồng hồ này sản xuất tại Thụy Sỹ năm 1887. Dù cũ kỹ và thô sơ, nó vẫn hoạt động khá chính xác.

Nội thất thánh đường bao gồm chính điện ở giữa và 2 gian phụ 2 bên, tiếp theo là dãy nhà nguyện. Chính điện có chiều cao 21m, ngăn cách với 2 không gian phụ bằng hàng cột cuốn vòm kết hợp với trụ thép đỡ vòm mái.

Không gian làm lễ và cầu nguyện này có thể chứa 1.200 người. Dãy nhà nguyện 2 bên là nơi đặt những bàn thờ nhỏ, có những bệ thờ và tượng thánh bằng đá tinh xảo. Bàn thờ chính nơi Cung Thánh làm bằng đá cẩm thạch nguyên khối có hình 6 vị thiên thần đỡ mặt bàn thờ. Bệ thờ chia làm 3 khoang, cũng là những tác phẩm điêu khắc có nội dung điển tích đạo Thiên Chúa.

Tất cả các đường nét, gờ chỉ, hoa văn đều tuân thủ theo thức roman và gothic tôn nghiêm và trang nhã. Trên tường được trang trí nổi bật với 56 cửa kính mô tả các nhân vật hoặc sự kiện trong Thánh Kinh, 31 hình bông hồng tròn, 25 cửa sổ mắt bò bằng kính nhiều màu ghép lại với những hình ảnh rất đẹp.

Theo một số tài liệu, kính màu đã xuất hiện tại các nhà thờ theo kiến trúc roman. Tuy nhiên phải đến giai đoạn ra đời phong cách gothic, các chi tiết này mới phát triển rộng rãi với màu sắc và họa tiết ngày càng tinh xảo. Đáng tiếc là trong số 56 cửa kính màu tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, hiện chỉ còn 4 chiếc là nguyên vẹn như xưa. Các cửa khác đều đã được làm lại vào khoảng những năm 1949 để thay thế những chiếc nguyên thủy đã bể gần hết trong thế chiến thứ 2.

Công trình không có vòng rào hoặc bờ tường bao quanh như các nhà thờ quanh vùng Sài Gòn - Gia Định lúc bấy giờ. Trước nhà thờ là một vườn hoa - nơi đặt tượng Đức Mẹ Hòa Bình làm bằng loại đá cẩm thạch quý hiếm. Tượng chế tác tại Roma (Italy) và chuyển về Sài Gòn bằng đường thuỷ vào năm 1959. Đây cũng là lý do công trình được đổi tên từ nhà thờ Nhà Nước thành nhà thờ Đức Bà.

Nhà thờ Đức Bà là một tuyệt tác kiến trúc, là một công trình tiêu biểu góp phần tạo nên diện mạo đô thị TP HCM. Công trình là sự du nhập, giao lưu và tiếp biến của văn hóa, kiến trúc Đông - Tây, thể hiện ở việc một thể loại công trình thuộc nền văn hóa phương Tây xây dựng ở phương Đông cũng như những kết cấu và vật liệu mới nhưng lại phù hợp với các điều kiện xã hội và khí hậu của bản xứ. Không chỉ gây ấn tượng với những du khách ở xa đến, vẻ đẹp của nhà thờ cũng chính là niềm tự hào của người dân Sài Gòn.

Lộc An
Ảnh: Hữu khoa

Với mong muốn kiến tạo nên một công trình có giá trị kiến trúc - văn hóa - lịch sử tương tự như những công trình trăm tuổi tại TP HCM hiện nay, nhà phát triển công trình xanh Phúc Khang Corporation đã phát triển dự án Rome by Diamond Lous. Dự án mô phỏng kiến trúc tòa thành Rome (Italy) với các biểu tượng đặc trưng như hàng cột La Mã uy nghi, mái vòm Roman cách điệu và điểm nhấn là chum trên đỉnh tòa nhà như một viên ngọc lục bảo đính trên đỉnh vương miện.

Tọa lạc ngay điểm giao nhau của hai trục đường lớn Mai Chí Thọ và Đồng Văn Cống (quận 2, TP HCM), dự án xây dựng theo tiêu chuẩn xanh của Phúc Khang cùng sự đồng hành của các thương hiệu lớn trong nước và quốc tế như kiến trúc sư người Italy Aldo Zoli Lo Prinzi - thành viên Hội Kiến trúc sư Rome (cố vấn cấp cao về thiết kế kiến trúc của Phúc Khang Corp), Coteccons (tổng thầu xây dựng), DP Architect, Mai-Archi, TTID (tư vấn thiết kế), Landmarks (thiết kế cảnh quan), UL - Mỹ (thẩm duyệt an toàn phòng chống cháy nổ), CBRE (quản lý vận hành tòa nhà)...