Đình Hoành Sơn, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trao bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt tháng 11/2020. Cuối năm 2017, Thủ tướng đã xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với công trình này.
Theo Ban Quản lý di tích tỉnh Nghệ An, đình Hoành Sơn xây năm 1763. Người khởi xướng và chủ sự xây dựng là ông Đặng Thạc, quan triều vua Lê Hiển Tông (1740-1786). Năm đó đời sống nhân dân sung túc, các tầng lớp sĩ, nông, công, thương trong làng đều làm ăn phát đạt, ông Thạc chọn đất tốt, huy động tiền của trong dân để mua gỗ quý, mời thợ giỏi trong vùng về xây dựng.
Đình rộng hơn 1.660 m2, ngoảnh hướng đông bắc, phía sau có núi, phía trước là sông Lam. Trong đó, đại đình rộng hơn 330 m2, được dựng theo lối nhà 7 gian. Đại đình được tạo bởi 6 bộ vì với 32 cột. Đây là lối kết cấu vì kèo theo kiểu "giá chiêng, chồng rường", phổ biến ở Việt Nam thế kỷ 17-18, đảm bảo sự chắc chắn, đem lại sự thoáng đãng và thuận lợi trong trang trí.
Phía trước đình xây tường ở hai bên dày 25 cm, gian giữa trổ cửa ra vào, phía sau cũng xây tường hai bên, ở giữa trừ hậu cung rộng 49 m2. Đình có hai mái lớn trước và sau, hai mái hồi đều lợp bằng ngói âm dương. Nền lát gạch.
Nghệ thuật chạm khắc tập trung trên các cấu kiện gỗ ở xà, kẻ, con rường... của đại đình. Nổi bật là hình tượng tứ linh (long, ly, quy, phượng), kế đó là đề tài minh họa điển cố, điển tích, thể hiện ước mơ của nông dân Nghệ An nói chung và làng Hoành Sơn nói riêng như: "Phượng hàm thư" - khát vọng chinh phục trí thức. Cùng thể hiện mơ ước này là hình ảnh vinh quý bái tổ, hoạt cảnh thi ngạch quan võ, sĩ tử xem điểm thi...
Đặc biệt, trong khi các đề tài dân dã hầu như không còn ở thế kỷ 18 thì tại đình các hình tượng đó vẫn phổ biến, như: Chèo thuyền, đi cấy, thưởng trà, câu cá... Ngoài việc chạm khắc các đề tài trên cấu kiện gỗ, ở gian giữa của đại đình, các nghệ nhân xưa còn tô điểm thêm bằng những bức y môn đẹp, đậm chất nghệ thuật cùng nhiều bức đại tự cổ bằng chữ Hán.
Sách An Tĩnh cổ lục của tác giả Hippolyte Le Breton (người Pháp), nhà giáo nhiều năm dạy ở trường Quốc học Vinh, đã viết về đình Hoành Sơn: "Tất cả các chuyến đi ở đất An Nam, tôi chưa hề thấy một ngồi đình nào đẹp như thế này".
Hippolyte Le Breton cũng ghi lại nhiều bức ảnh về nghệ thuật chạm khắc tại đình như: Hai con rồng chầu mặt trăng, hai bên có hai con phượng; đám rước quân lễ với voi, trống đồng, quân lính cầm giáo; cuộc đua thuyền trên sông Lam; cuộc đánh cờ người, gồm 16 nam giới và 16 thiếu nữ làm quân cờ...
Trong cuốn Đình Việt Nam, tác giả Hà Văn Tấn và Nguyễn Văn Kự cũng viết: Trên xà, kèo, cột đều được chạm trổ rất tinh vi và sinh động hình mây lá, rồng với những bầy rồng con, chim phượng vàng.
Giới nghiên cứu và chuyên gia về lĩnh vực kiến trúc đánh giá đây là ngôi đình tiêu biểu của miền Trung, có nghệ thuật chạm khắc đẹp nhất cả nước.
Ông Đào Tam Tỉnh, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa cổ vật sông Lam, cho biết đã đến di tích rất nhiều lần để chiêm ngưỡng kiến trúc đặc biệt với những bức chạm phản ánh cuộc sống của các tầng lớp trong xã hội ngày xưa. "Kỹ thuật và tay nghề của tốp thợ ngày xưa rất cao. Họ thực sự là những nghệ nhân giỏi và điêu luyện", ông Tỉnh nói.
Hiện tất cả cột đình vẫn nguyên, nghệ thuật chạm khắc, chữ viết trên các cấu kiện gỗ ở kèo, vì vẫn nguyên bản. Trên thân một số chân cột vẫn còn lưu giữ dấu tích của lính khố xanh để lại. Đó là những ô hình vuông, được đục ở các cột để lắp các tấm ván. Tại đình có một số pho tượng phật đặt ở hậu cung, là nơi thờ Thành hoàng làng Lý Nhật Quang, tứ vị Thánh nương và các vị Chư phật.
Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa Thể thảo Nghệ An, nhiều cấu kiện tại đình đang bị xuống cấp, hư hỏng. Sở đã tham mưu cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Nghệ An đưa danh mục trùng tu đình Hoành Sơn vào đầu tư công trung hạn 2021-2025 với kinh phí 50-60 tỷ đồng.