Ký sinh trùng thường chỉ gây hại cho vật chủ vì tranh giành chất dinh dưỡng và các yếu tố khác. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa kiến Temnothorax nylanderi và sán dây Anomotaenia brevis không hoàn toàn như vậy. Khi sống trong ruột kiến, sán dây khiến chúng có tuổi thọ dài hơn, New Atlas hôm 23/5 đưa tin.
Để tìm hiểu, nhóm chuyên gia tại Đại học Johannes Gutenberg Mainz (Đức) theo dõi 58 đàn kiến trong 3 năm, trong đó có những con nhiễm sán dây. Cuối giai đoạn nghiên cứu, toàn bộ số kiến thợ khỏe mạnh đều đã chết, nhưng 53% kiến nhiễm sán dây vẫn sống. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Royal Society Open Science.
Các nhà khoa học chưa rõ kiến sống được tối đa bao lâu do thời gian nghiên cứu có hạn. Tuy nhiên, dữ liệu hiện tại cho thấy có vẻ chúng sống lâu tương đương kiến chúa, nghĩa là tới 20 năm.
Kể cả khi đã lớn tuổi, kiến nhiễm sán dây vẫn duy trì cơ thể hồi trẻ. Ban đầu kiến có màu vàng, sau đó dần chuyển nâu khi già đi và da cứng lại. Tuy nhiên, kiến nhiễm sán vẫn giữ được màu vàng.
Ngoài ra, sán dây cũng khiến các vật chủ ít hoạt động hơn nhiều. Kiến nhiễm sán không bao giờ rời tổ hay tham gia những nhiệm vụ thông thường. Thay vào đó, chúng chỉ quanh quẩn trong tổ, để những thành viên khỏe mạnh cung cấp thức ăn và chăm sóc cho mình. Trong một số trường hợp, chúng thậm chí thu hút nhiều sự chú ý hơn cả kiến chúa.
Điều này dần ảnh hưởng xấu đến cả đàn kiến. Những con khỏe mạnh có vẻ mệt mỏi và chết sớm hơn bình thường. Những con nhiễm sán trở nên lười biếng và dễ gặp nguy hiểm. Khi chim gõ kiến tìm tới, chúng chỉ nằm một chỗ trong khi các đồng loại khác tản ra.
Đây cũng là mục đích cuối cùng của sán dây. Chúng sẽ sinh sản bên trong ruột chim gõ kiến, khiến chất thải của chim chứa trứng sán. Kiến sẽ tình cờ bắt gặp số chất thải này và mang về cho con non trong tổ ăn, bắt đầu một chu kỳ mới.
Khi nghiên cứu kỹ hơn, nhóm nhà khoa học phát hiện một số thay đổi về cơ chế trao đổi chất ở kiến nhiễm sán gây ảnh hưởng đến cơ thể và hành vi của chúng. Khi kiến thợ được "thăng chức" thành kiến chúa, một số gene sẽ kích hoạt giúp chúng tăng tuổi thọ. Có vẻ sán dây cũng kích hoạt được các gene này ở vật chủ. Bên cạnh đó, kiến nhiễm sán còn phát ra tín hiệu hóa học đặc biệt khiến đồng loại muốn chăm sóc cho chúng.
Thu Thảo (Theo New Atlas)