Người gửi: Bùi Hải Phúc Nguyên
Tôi không hoàn toàn đồng ý với bạn Quỳnh Chi, bởi lẽ không phải cái gì mới cũng tốt hơn cái cũ, nhất là môn Văn học.
Theo dòng cải cách của SGK từ năm 1982 đến nay, chúng ta không biết đang cải tiến theo hướng nào. Những tác phẩm hay lần lượt "ra đi", nhường chỗ cho những điều xa lạ. Những tác phẩm văn học nước ngoài đậm chất nhân văn đã dần bị thay bằng những bài văn chính luận, văn bản báo chí.
Những tác phẩm như "Thép đã tôi thế đấy", "Tarat Bunba", "Kẻ giả chết" của thời 1982 giờ đã biến mất, "Bầy chim thiên nga" đã thay bằng "Nàng công chúa và hạt đậu" rồi thay bằng "Cô bé bán diêm" với tính nhân văn không thể nào bằng. Hay như thay "Mảnh trăng cuối rừng" bằng "Chiếc thuyền ngoài xa" (cùng của Nguyễn Minh Châu). Với tác phẩm không thực sự nổi tiếng lắm thì tác giả Nguyễn Minh Châu cũng nhạt nhòa theo.
Gần đây thôi, năm 1998, lúc tôi còn học lớp 10, chúng tôi còn học cách làm thơ lục bát, song thất lục bát - những thể thơ của dân tộc. Còn bây giờ, lớp 10 học gì? Tìm hiểu thể thơ Hai cư của Nhật ư? Để làm gì khi các em không ứng dụng?
Thật chua xót khi xem "Ai là triệu phú" gặp câu 1 mà người chơi (sinh viên năm nhất) phải dùng trợ giúp 50-50. Câu hỏi đó như sau: "Điền từ còn thiếu vào chỗ trống: "Muốn sang phải bắt cầu Kiều. Muốn con hay chữ phải... lấy thầy (thương, cưng, yêu, mến)". Những kiến thức như vậy hoàn toàn có thể vượt qua nếu chúng ta hiểu rõ về thơ văn dân tộc.
Cứ cho là tác phẩm văn học nước ngoài khó học với học sinh đi. Nhưng hãy thử xem với chương trình như hiện nay thì học sinh học có dễ không? Còn việc giảm tải, không hiểu giảm thế nào mà cuốn sách 155 trang trước kia giờ thành 231 trang, cặp học sinh phải mang từ 4kg "giảm xuống" còn 7kg? Thế mà chất lượng thì vẫn đi xuống.
Còn về Lịch sử, đáng buồn thay, thí sinh đi thi "Theo dòng lịch sử" mà giải thích cụm từ "Nguyễn Công Trứ" thế này đây: "Đây là người viết truyện Lục Vân Tiên", chẳng bảo sao người cùng chơi trả lời là Nguyễn Đình Chiểu. Dự thi một chương trình thuần lịch sử Việt Nam mà có chuyện như trên thì... thật là hổ thẹn.
Vì sao như thế? Vì môn Văn học và Lịch sử Việt Nam hiện nay còn khá phiến diện trong công tác truyền thụ kiến thức, thầy cô cứ giảng, học trò cứ chép vào tập, đến đầu tiết học cứ lên bảng trả bài. Còn nếu có theo phương pháp mới thì cũng không hiệu quả lắm.
Thử hỏi, với 3 phút thảo luận nhóm, học sinh lớp 10 có thể rút ra được điều gì từ câu hỏi trong SGK. Giáo viên, thay vì giảng giải cho học sinh nghệ thuật tu từ, lời hay ý đẹp của tác phẩm thì giờ chỉ đơn giản và kết luận dựa theo ý kiến thảo luận của học sinh.
Chúng ta có rất ít cơ hội cho học trò hái hoa dân chủ (cách học của chúng tôi thời 1990). Thời ấy, chúng tôi không hề ngượng ngùng khi không trả lời được nội dung một câu hỏi nào đó, vì giáo viên không cho điểm mà chỉ yêu cầu về nhà xem lại cho nhớ. Vì thế, chúng tôi dũng cảm nhận ra thiếu sót của mình. Còn bây giờ thì sao? Học sinh yếu không được ở lại lớp, học sinh lên đến lớp 6 mà viết tên mình chưa xong, phát hiện ra thì gia đình cho nghỉ học. Tại sao lại như thế?
Tại sao học sinh thuộc lòng lịch sử Trung Quốc còn lịch sử nước nhà thì... ngậm hột thị? Thử tìm hiểu xem có gì khác nhau ở đây? Phim lịch sử Trung Quốc rất nhiều, nội dung thực tế, có cốt truyện. Phim lịch sử Việt Nam, chỉ có bộ "Trùng Quang tâm sử" thôi, tiến trình thì rề rà, chập chạm, không thể lôi cuốn người xem được.
Tôi biết, những trăn trở của cá nhân tôi cũng chỉ là hạt cát nhỏ nhoi trên bờ biển, nhưng đó là những điều tôi suy nghĩ rất lâu. Nền giáo dục nước ta đang cải tiến, nhưng hy vọng là cải tiến thực sự chứ không... cải lui.