Cô Lê Thu Hà, giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI tư vấn lộ trình học hiệu quả cho học sinh, đồng thời giúp phụ huynh đồng hành và chuẩn bị tâm lý cho con trước kì thi quan trọng này.
Môn Toán
Có 5 chủ điểm quan trọng học sinh cần lưu ý gồm có: phép toán với số tự nhiên; các dạng toán liên quan đến phân số, tỷ số; các bài toán có áp dụng phương pháp giải suy luận; các bài toán hình học; phép chia hết và phép chia có dư.Môn Tiếng Việt
Với phần đọc hiểu văn bản, học sinh cần khai thác nội dung và giá trị của bài học; trả lời các câu hỏi vận dụng.
Khi trả lời câu hỏi đọc hiểu, người làm cần trả lời ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào trọng tâm của đề bài, tránh trả lời lan man, không rõ ý.
Về kiến thức Tiếng Việt, học sinh cần nắm vững các kiểu câu, dấu câu, biện pháp nghệ thuật (so sánh, nhân hóa) và từ loại (danh từ, động từ, tính từ).
Ở phần Tập làm văn, các em tập trung vào văn kể chuyện và miêu tả; chú ý kỹ năng phân tích đề bài, xây dựng dàn ý, viết đoạn văn, liên kết các câu, cách dùng từ chọn lọc và sinh động. Bên cạnh đó, học sinh cũng cần tạo thói quen kiểm tra lại bài sau khi hoàn thành.
Môn Tiếng Anh
Trong chuyên đề về ngữ pháp - phát âm, học sinh cần chú trọng ôn các phần: Đại từ (pronouns); danh từ (nouns); tính từ và trạng từ (adjectives and adverbs); so sánh (comparisons); mạo từ (article); các thì (tenses) và phát âm (pronunciation).
Trong chuyên đề từ vựng, thông thường, đề thi sẽ có các chủ đề từ vựng cơ bản như: gia đình; các thiết bị trong gia đình; đồ ăn và thức uống; nghề nghiệp; địa điểm; động vật hay về môi trường... Học sinh nên phân chia từ vựng theo các chủ đề này để có cách học khoa học, hiệu quả, giúp việc tiếp thu và ghi nhớ đơn giản hơn.
Lộ trình ôn thi hiệu quả ngay tại nhà
Theo cô Lê Thu Hà, giáo viên môn Tiếng Anh tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI, để tránh nhầm lẫn kiến thức giữa các môn, nhanh quên, học sinh cần có lộ trình học tập theo từng giai đoạn và thời gian cụ thể.
Các em có thể tham khảo lộ trình ba giai đoạn: trang bị kiến thức cơ bản; ôn luyện từng chuyên đề theo cấu trúc đề thi và luyện đề.
Bước đầu tiên, học sinh cần phải nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa - nền tảng giúp các em tự tin chinh phục mọi dạng bài tập. Sau đó, cha mẹ nên cho con tổng ôn lại kiến thức khoảng 80%. Cuối cùng, học sinh bước sang giai đoạn luyện đề. Việc ôn tập theo lộ trình sẽ giúp các em nắm vững kiến thức và đạt kết quả cao trong kì thi.
Ví dụ, thời điểm này, các em có thể tổng ôn kiến thức, kết hợp làm đề kiểm tra các kiến thức đã ôn tập, để có kế hoạch bổ sung các phần kiến thức còn thiếu. Từ tháng 4, học sinh nên tăng tần suất luyện đề để rèn kỹ năng làm bài thi, tránh các sai sót khi làm bài.
Cô Hà cho biết thêm, việc chuẩn bị tâm lý cho con trong giai đoạn này cũng rất quan trọng. Cha mẹ nên tham khảo các biện pháp giúp con giảm áp lực khi ôn thi.
Ngoài việc lên kế hoạch học tập rõ ràng, cha mẹ nên hướng dẫn con cân bằng giữa thời gian học và nghỉ ngơi, để quá trình ôn tập diễn ra thuận lợi và hiệu quả. Các con nên dành một khoảng thời gian từ 10-15 phút sau mỗi giờ học để giải trí và phục hồi năng lượng.
"Trong thời gian này, cha mẹ chú ý không ép con học tràn lan, không đúng trọng tâm. Mọi người có thể tham khảo đề thi từ các năm trước và cho con luyện theo, để các em được cọ xát các dạng đề thi của các trường chất lượng cao. Việc luyện đề sớm sẽ giúp con định hình năng lực bản thân và rút kinh nghiệm cho những lỗi sai thường gặp", cô Hà nói thêm.
Đồng thời, để con ôn thi vào lớp 6 hiệu quả, cha mẹ cần tìm kiếm cho con tài liệu ôn thi phù hợp. Phụ huynh có thể tham khảo bộ sách "Chinh phục đề thi vào lớp 6" của ba môn Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh với hệ thống đề thi các trường đi kèm và trên 20 video bài giảng hệ thống kiến thức trọng tâm. Bộ sách có phần hướng dẫn học sinh các lỗi sai thường gặp trong bài thi.
Nhật Lệ
Ảnh: HOCMAI