Tôi đồng tình với một số quan điểm của bạn Nguyễn Văn Khuyến: đại học chỉ dạy cho chúng ta những kiến thức nền tảng, khả năng tư duy để có thể tạo ra những sản phẩm CNTT hoặc chí ít cũng có khả năng "tự thân vận động" để làm một cái gì đó cho công việc của mình thay vì chỉ biết thao tác sử dụng những công cụ viết sẵn.
Có hai nguyên nhân chính của việc cho ra lò các kỹ sư CNTT yếu kém:
- Thứ nhất, bản thân các kỹ sư CNTT này không biết nỗ lực, không tự tìm hiểu, nghiên cứu hoặc ngay cả chưa tiếp thu đầy đủ các giáo án của giáo viên làm hổng các kiến thức mà trong trường đào tạo.
- Thứ hai, cũng có lỗi trong khâu đào tạo, bắt nguồn từ việc tuyển chọn sinh viên đầu vào của một số trường ồ ạt, chạy theo lợi nhuận, chưa đúng với tiêu chí của Bộ đã đề ra.
Theo tôi, bản thân sinh viên có thể kết hợp với giảng viên để thực hiện các đề tài nhỏ trong mỗi môn học để nâng cao kinh nghiệm thay vì ngồi ca cẩm này nọ. Khi còn ngồi ghế đại học, tôi cũng có những lúc băn khoăn tự hỏi: Sao ta phải học những thứ cũ kỹ này và sau này ta làm được những gì? Nhưng giờ tôi đã biết nó là những điều cần thiết không thể thiếu trong kiến thức nền tảng của mình và suy nghĩ lúc ấy thật sai lầm.
Nếu bạn hiểu các "kỹ thuật lập trình", tôi nghĩ bất cứ ngôn ngữ lập trình nào bạn cũng có thể tự nghiên cứu và tự viết ứng dụng cho mình. Còn nếu chỉ học lập trình 1 món nào đó rành rọt như cái máy mà không hiểu tại sao nó làm được thế thì việc tiếp xúc với một ngôn ngữ mới sẽ rất khó khăn.
Và tôi dám chắc một điều rằng nếu bạn biết về "Đồ họa máy tính" thì việc học Photoshop, Autocard... chỉ cần 1 hoặc 2 tháng là có thể làm được. Nhưng nếu chỉ học rành những công cụ đồ họa đó thì bạn sẽ không thể viết nổi ứng dụng nhỏ sử dụng các thuật toán đồ họa.
Đó là sự khác nhau của một kỹ sư IT đúng nghĩa với một học viên của các khóa ngắn hạn.