Theo Điều 106 Luật Đất đai, điều kiện để chuyển nhượng bao gồm: có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; đất không có tranh chấp; quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; trong thời hạn sử dụng đất.
Áp dụng quy định nêu trên, việc mua bán của bạn không đáp ứng được các điều kiện để chuyển nhượng, cụ thể là điều kiện về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trên thực tế, việc chuyển nhượng khi không đáp ứng được điều kiện về Giấy chứng nhận nêu tại điểm a, khoản 1, Điều 106 Luật Đất đai diễn ra khá phổ biến dẫn đến nhiều tranh chấp xảy ra.
Do vậy, theo Nghị quyết 02/2004/NĐ-HĐTP, đối với giao dịch chuyển nhượng đất vi phạm điểm a.4 (có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và điểm a.6 (hình thức văn bản có công chứng, chứng thực), nếu sau khi thực hiện hợp đồng, bên nhận chuyển nhượng đã làm nhà ở kiên cố và bên chuyển nhượng không phản đối và cũng không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, tòa án công nhận hợp đồng chuyển nhượng.
Như vậy, hợp đồng chuyển nhượng của bạn hoàn toàn có cơ sở để được công nhận. Bạn nên gặp trực tiếp để thương lượng với chủ đất về việc sang tên, hoặc gửi văn bản yêu cầu thực hiện đúng cam kết.
Trong trường hợp họ không thực hiện cam kết, bạn có thể gửi đơn thư đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết. Vì đây là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng do đó thẩm quyền sẽ thuộc về Tòa án.
Theo quy định tại Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự, tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân... có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này. Như vậy, bạn có thể gửi đơn khởi kiện đến TAND nơi chủ đất cư trú để được giải quyết theo quy định pháp luật.
Luật sư Trương Anh Tú
Văn phòng luật sư Trương Anh Tú, Hà Nội