Sáng 28/8, phát biểu tại hội nghị tổng kết toàn ngành giáo dục và đào tạo, triển khai năm học mới, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ có chính sách đảm bảo tổ chức năm học mới an toàn gắn với tiêm vaccine. "Hiện, Việt Nam tranh thủ mọi quan hệ quốc tế để ngoại giao vaccine. Chúng ta có chiến lược vaccine rất đúng và đang đẩy mạnh, trong đó tính đến vaccine cho trẻ em", Thủ tướng nói.
Dựa trên cơ sở khoa học, quy định về độ tuổi, Bộ Y tế được yêu cầu có kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em. Bộ cần xem xét vaccine nào được nhiều nước tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên để thời gian tới khi nhập về có thể phân bổ và tiêm. Với trẻ dưới 12 tuổi, nếu có vaccine phù hợp, Bộ Y tế cần sớm tiếp cận, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu trong nước để thời gian tới có vaccine tiêm cho các cháu.
"Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán nhu cầu, phối hợp với Bộ Y tế để có thể tiêm sớm nhất cho học sinh. Những cháu được tiêm đủ hai mũi có thể đi học bình thường kèm biện pháp chống dịch khác như một số nước đang làm, ví dụ Singapore", Thủ tướng nói.
Với giáo viên, hiện nhiều thầy cô đã được tiêm vaccine. Thủ tướng yêu cầu nơi nào thiếu thì bổ sung để tiêm cho giáo viên, chuẩn bị cho năm học mới.
Song song với kế hoạch tiêm, các nhà trường cần có trang thiết bị, tuân thủ biện pháp phòng chống dịch để học sinh trở lại trường an toàn. Trường ở "vùng xanh" cho học sinh trở lại trường sớm với những biện pháp sàng lọc, kiểm soát phù hợp. Trường ở "vùng vàng, vùng đỏ" tổ chức dạy học trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó lưu tâm đến học sinh khó khăn.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh cũng là kiến nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng lãnh đạo các địa phương. Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đánh giá năm học 2020-2021 bị ảnh hưởng bởi Covid-19, các địa phương, trường học đã linh hoạt xây dựng kế hoạch, tổ chức dạy học qua Internet và truyền hình, điều chỉnh hình thức kiểm tra, đánh giá nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên, ông Sơn thừa nhận chất lượng, hiệu quả dạy và học trực tuyến còn hạn chế, nhất là bậc tiểu học và ở những địa phương chưa có điều kiện. Hạ tầng công nghệ, đường truyền, trang thiết bị và nguồn học liệu chưa đáp ứng yêu cầu. Giáo viên nhiều nơi chưa được tập huấn kỹ cả về công nghệ và phương pháp. Gia đình chưa tham gia phối hợp hỗ trợ trẻ một cách hiệu quả. Bộ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm tiêm vaccine cho học sinh, từ đó có thể dạy học trực tiếp.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó chủ tịch tỉnh Vĩnh Long, cho biết hiện tỉnh có 91% giáo viên tiêm mũi 1 vaccine Covid-19, 44% tiêm mũi 2. Học sinh chưa được tiếp cận nên phải học trực tuyến. Nhưng phương pháp học này không đảm bảo hiệu quả, đặc biệt đối với hơn 14.000 học sinh khó khăn. Tỉnh mong có chương trình tiêm vaccine cho học sinh từ 12 tuổi trở lên để việc mở cửa trường học an toàn hơn. "Chúng tôi xác định hơn 200.000 học sinh toàn tỉnh đến trường phải được an toàn, giáo viên phải được an tâm, xã hội an lòng", bà Thanh nói.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó chủ tịch tỉnh Gia Lai, cho biết việc "tạm dừng đến trường không dừng học" là bài toán khó với địa phương do địa hình, điều kiện kinh tế - xã hội. Tỉnh mong sớm có chương trình vaccine phòng Covid-19 cho học sinh để các em được học trực tiếp tại trường.
Tỉnh Quảng Bình cũng đưa ra kiến nghị tương tự, trong đó nhấn mạnh việc tính toán, ưu tiên tiêm vaccine cho học sinh THPT.
Năm học 2021-2022 đã bắt đầu ở một số địa phương. Tuy nhiên, các tỉnh, thành đều xác định có thể có giai đoạn phải học online do ảnh hưởng của Covid-19. Nhiều tỉnh, thành như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, Nghệ An xác định phải học trực tuyến ngay trong những tháng đầu năm học.