Theo đó, Quảng Ngãi kiến nghị Thủ tướng cho phép từ năm 2015 được hưởng chính sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội (vốn đầu tư phát triển hoặc có tính chất đầu tư).
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích nhấn mạnh, năm 2005,Thủ tướng ban hành quy chế hoạt động Khu kinh tế Dung Quất. Trong đó, văn bản có quy định 15 năm đầu nguồn thu của nhà máy lọc dầu để lại cho Quảng Ngãi đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển.
Đầu năm 2009, từ khi nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, nguồn thu ngân sách tỉnh tăng lên đáng kể. Riêng năm 2013, đạt gần 30.200 tỷ đồng (vượt dự toán ngân sách Trung ương giao là 8.830 tỷ đồng). Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ngân sách thì quyết định nói trên của Thủ tướng không thể thực hiện được, nguồn thu nhà máy lọc dầu Dung Quất hầu hết điều tiết về ngân sách Trung ương. Do vậy, các chương trình hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương của Quảng Ngãi bị cắt giảm, không được Trung ương hỗ trợ vốn nên địa phương đối mặt với nhiều khó khăn.
Chính phủ xác định hiệu quả đầu tư của Khu kinh tế Dung Quất thuộc tốp đầu trong 5 khu kinh tế ven biển cả nước, nhưng hiện tại nguồn lực đầu tư vào khu kinh tế này còn hạn chế (khoảng 150 tỷ đồng mỗi năm). Trong khi đó, hiện tỉnh có nhiều nhà đầu tư đang triển khai tại Khu kinh tế Dung Quất như dự án nhà máy nhiệt điện Dung Quất do Tập đoàn Semcorp (Singapore) đầu tư 2,5 tỷ USD; nhà máy lọc dầu Dung Quất sắp mở rộng... Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân để giao "đất sạch" cho chủ đầu tư thời gian tới.
Trước đó, tháng 9/2013, làm việc với Quảng Ngãi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng đồng ý chủ trương hỗ trợ nguồn thu từ nhà máy lọc dầu Dung Quất để đầu tư ba dự án trọng điểm tại tỉnh này. Trong đó, Thủ tướng đã giao kế hoạch vốn 770 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ đầu tư giai đoạn một tuyến đường ven biển Dung Quất đi Sa Huỳnh. Hai dự án còn lại gồm tuyến đường từ Tịnh Phong đi cảng Dung Quất 2 (2.500 tỷ đồng) và cảng bến Đình ở huyện đảo Lý Sơn (220 tỷ đồng) đến nay vẫn chưa được bố trí vốn.
Trí Tín