Sau gần 40 ngày (từ 12/4 đến 20/5) công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được hơn 400 góp ý của chuyên gia giáo dục, nhà khoa học, giáo viên, thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực... Bên cạnh những ý kiến đồng thuận, Ban soạn thảo chương trình đã tổng hợp được một số góp ý phản biện.
Về thời lượng giáo dục, nhiều ý kiến cho rằng nên quy định thời lượng một tiết học thống nhất từ lớp 1 đến lớp 5 với trung bình mỗi tiết là 35 phút. Dự thảo chương trình tổng thể đang quy định mỗi tiết học cho các lớp 1-2 từ 30 đến 35 phút; lớp 3-5 từ 35 đến 40 phút. Điều này gây khó khăn cho các nhà trường trong việc tổ chức giờ ra chơi cho học sinh mà không ảnh hưởng đến các lớp đang học khác. Thời lượng học của một số môn được đề xuất giảm để bảo đảm thời lượng giáo dục trung bình của các lớp trong chương trình mới không cao hơn hiện nay.
Về hệ thống môn học và hoạt động giáo dục, nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên phân chia thành 2 loại bắt buộc và tự chọn thay vì để 4 loại gây khó hiểu cho học sinh. Hệ thống và tên môn học, hoạt động giáo dục cũng nên điều chỉnh để bảo đảm tính khoa học, khả thi, dễ hiểu, dễ nhớ và giảm tải cho học sinh.

Nhiều ý kiến cho rằng nên điều chỉnh giảm số lượng môn học và thời lượng học trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.
Việc dạy học phân hóa nên áp dụng ngay từ lớp 10, do đó cần điều chỉnh hệ thống môn học bắt buộc, tự chọn ở 3 lớp của THPT để bảo đảm thống nhất theo yêu cầu định hướng nghề nghiệp, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Cách thức tự chọn môn học cũng cần thay đổi sao cho vừa đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của học sinh, vừa có tính khả thi đối với khả năng vận dụng linh hoạt của nhà trường.
Việc hướng tới dạy học 2 buổi/ngày cũng nhận được nhiều phản biện. Nhiều chuyên gia cho rằng kế hoạch này cần bảo đảm sao cho các trường chỉ có điều kiện dạy học 5 buổi/tuần (tối đa 25 tiết/tuần) vẫn thực hiện được đầy đủ nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc thống nhất trong toàn quốc. Ngoài ra, chương trình nên có phần mở dành cho các trường tổ chức học 2 buổi/ngày ở các địa phương có các điều kiện đảm bảo.
Thông tin chuẩn bị đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất ở các cơ sở giáo dục phổ thông, lộ trình thực hiện chương trình mới, cũng được nhận được nhiều trăn trở, lo lắng từ dư luận.
Trước những góp ý trên, Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông cho biết, sẽ dành thời gian nghiên cứu kỹ lượng và tiếp thu. Dự kiến, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm tải số lượng môn, tiết học; điều chỉnh tên môn học, hoạt động giáo dục và phân loại cho dễ hiểu, dễ nhớ; dạy học phân hóa từ lớp 10...
Quỳnh Trang