Đề xuất này vừa được UBND TP HCM gửi Bộ Xây dựng góp ý dự thảo Nghị định 101 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Hiện, TP.HCM có 474 chung cư xây dựng trước năm 1975, trong đó nhiều tòa nhà hư hỏng nặng cần phải thay mới. Theo quy định, với chung cư nguy hiểm, cư dân có 3 tháng lựa chọn nhà đầu tư, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chung cư hư hỏng nặng có thời hạn một năm. Quá thời gian này, cư dân chưa làm xong, nhà nước có trách nhiệm phá dỡ và lựa chọn nhà đầu tư để xây mới.
Tuy nhiên, trên thực tế khi hết thời gian cho phép, ở nhiều chung cư người dân không thỏa thuận được phương án. Một số trường hợp đạt đồng thuận nhưng sau đó lại đề nghị thay đổi từ nhận tiền sang nhận nhà hoặc ngược lại. Điều này gây ra khó khăn cho cả hai phía, nhất là chủ đầu tư phải chuẩn bị tiền mặt để bồi thường, chi phí tạm cư, xây quỹ nhà tái định cư...
Để gỡ vướng mắc nói trên, UBND TP HCM kiến nghị Bộ Xây dựng bổ sung vào dự thảo phương án bồi thường đối với trường hợp xây chung cư hư hỏng nặng do nhà nước đầu tư. Việc bồi thường vẫn thực hiện bằng tiền hoặc căn hộ, nhưng bổ sung quy định nhà nước sẽ cưỡng chế khi có từ 50% cư dân đồng thuận phương án. Chủ sở hữu căn hộ khi bị cưỡng chế được bồi thường bằng tiền với mức giá trung bình của các chủ căn hộ đã chấp thuận.
Thành phố cũng kiến nghị Bộ Xây dựng bổ sung quy định về tỉ lệ đồng thuận của các chủ sở hữu tại hội nghị nhà chung cư để lựa chọn chủ đầu tư đối với chung cư có kết luận kiểm định cấp C (cấp nguy hiểm cục bộ) là 80%. Đây là tỉ lệ đồng thuận để chọn chủ đầu tư, chứ không phải để tháo dỡ chung cư.
Hồi tháng 11/2020, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Huỳnh Thanh Khiết cho biết, từ năm 2016 đến 2020, thành phố chỉ xây mới được 2 chung cư cũ, trong số 237 chung cư theo kế hoạch. Chung cư cũ chậm được xây mới do chưa có nhiều ưu đãi, quận huyện chưa được phân cấp nhiều trong đầu tư, xây dựng và phải được 100% cư dân đồng thuận mới được tháo dỡ...
Hà An