Kiến nghị trên được ông Trần Quốc Cường, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, nêu tại buổi làm việc với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, chiều 12/4.
Ông Cường cho biết Điện Biên còn nhiều khó khăn như tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội khiêm tốn. Điểm sáng nhất của tỉnh này là giáo dục và đào tạo. Ông đánh giá học sinh ham học, có thể chất, trí tuệ. Kết quả ngành giáo dục của tỉnh đạt được là khá cao ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
"Với yếu tố đó, tỉnh càng quyết tâm hơn trình Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo để sớm thành lập trường Đại học Điện Biên, trên cơ sở Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, giúp học sinh 19 dân tộc anh em được học lên cao hơn nữa", ông Cường nói.
Ông Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đồng hành, hỗ trợ tỉnh trong quá trình hoàn thiện đề án. Tuy nhiên, ông Sơn khuyến nghị tỉnh tham khảo kinh nghiệm của các mô hình đại học địa phương đã thành công và chưa thành công.
Từ những năm 2014-2025, Điện Biên từng xây dựng đề án thành lập một trường đại học trên địa bàn. Tuy nhiên đến nay, việc này chưa được thực hiện.
Tháng 4/2023, trên cơ sở kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý chủ trương nghiên cứu thành lập đại học ở Điện Biên, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp UBND tỉnh làm quy trình, hồ sơ, trình Thủ tướng xem xét.
Theo đó, Điện Biên đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung trường đại học mang tên Điện Biên Phủ vào Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tỉnh này đề xuất trường Đại học Điện Biên Phủ là trường công lập đa ngành, định hướng ứng dụng. Giai đoạn đầu, trường ưu tiên mở các ngành đào tạo phục vụ nhu cầu nguồn nhân lực còn đặc biệt thiếu trên địa bàn tỉnh, sau đó tiếp tục mở các mã ngành đào tạo theo nhu cầu thị trường.
Theo báo Điện Biên Phủ, trường dự kiến đào tạo 20 ngành, quy mô 4.000 sinh viên đến năm 2030. Trường tuyển sinh trên địa bàn cả nước, nhưng chủ yếu ở tỉnh Điện Biên, Lai Châu, một phần của tỉnh Sơn La, tiến tới có thể tiếp nhận sinh viên của tỉnh Nan (Thái Lan), Vân Nam (Trung Quốc), sinh viên thuộc khu vực Đông Nam Á và các châu lục khác.
Để đáp ứng quy mô đề ra, trường cần 300 giảng viên cơ hữu, ít nhất 1/3 có trình độ tiến sĩ. Hiện tại, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh mới có 17 tiến sĩ, 6 nghiên cứu sinh.
Dự kiến, tỉnh hoàn thiện hồ sơ đề nghị thành lập trường, trình Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định trong quý III.
Trước Điện Biên, từ cuối thập niên 90, nhiều địa phương đầu tư thành lập trường đại học, trên cơ sở trường cao đẳng sư phạm. Hiện nay, hầu hết lâm vào cảnh lay lắt, vật lộn để tồn tại. Lý do là thiếu người học, trong khi ngân sách rót về giảm do cơ chế tự chủ.