Chiều 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng. Dự án sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, khai mạc tháng 5.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết dự án thuộc tiêu chí quan trọng quốc gia, tuy nhiên có quy mô chỉ tương đương nhóm A. Để thuận lợi cho quá trình thực hiện, Chính phủ trình Quốc hội xem xét giao UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định đầu tư dự án tương tự như đối với dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo quy định về đầu tư công.
Tiến độ thực hiện từ nay đến 2027, chia thành hai dự án thành phần gồm bồi thường, hỗ trợ tái định cư và xây lắp. Dự án được đầu tư công với sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng. Nguồn vốn từ ngân sách Trung ương là 1.000 tỷ đồng và 930 tỷ từ ngân sách địa phương.
Dự án hứa hẹn tăng cường mạng lưới giao thông của vùng núi phía tây tỉnh Khánh Hòa, thúc đẩy phát triển kinh tế huyện Khánh Sơn và vùng phụ cận, tạo tiền đề kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch, tăng cường an ninh quốc phòng, tạo điều kiện cơ động trong các tình huống cấp thiết.
Thẩm tra tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đồng tình với sự cần thiết của dự án vì sẽ đồng bộ mạng lưới đường bộ từ phía tây tỉnh Khánh Hòa đến phía tây tỉnh Ninh Thuận và đến tỉnh Lâm Đồng; hình thành tuyến đường giao thương có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế giữa các tỉnh.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường không đồng tình với tiến độ thực hiện 2022-2027, trong đó giai đoạn chuẩn bị mất gần 3 năm (đến 2024). "Nếu được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào kỳ họp giữa năm 2023 và cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt thì tiến độ thực hiện dự án của Chính phủ là chưa phù hợp", ông Huy nói, đề nghị rà soát, đánh giá kỹ để rút ngắn thời gian xây dựng, tránh đầu tư dàn trải, kéo dài.
Cùng băn khoăn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói "quy mô dự án khiêm tốn, nhưng thực hiện đến 2027 mới hoàn thành là quá lâu". Dự án chủ yếu sử dụng vốn Trung ương, do đó cơ cấu vốn và phân kỳ đầu tư cần tính toán thêm cho phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, cơ quan của Quốc hội rà soát theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn để xem xét trong đầu tư công có phù hợp khi vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương.