Sáng 25/3, Quốc hội thảo luận kết quả thực hiện Nghị quyết 43 về phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Đoàn giám sát cho biết tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022; năm 2023 đạt 5,05%, khá cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị năm 2022 là 2,79%, năm 2023 ước là 2,73%, đạt mục tiêu đề ra. Thu ngân sách nhà nước năm 2022 bằng 128,6% dự toán, năm 2023 bằng 108,2% dự toán.
Tuy nhiên, đoàn giám sát đánh giá danh mục, mức vốn các dự án đầu tư chưa bám sát thực tiễn. Tiến độ giải ngân nhiều dự án đầu tư, nhất là lĩnh vực y tế chậm. Chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống ngân hàng thương mại chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch. Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đạt 56% kế hoạch.
Theo đoàn giám sát, một số cấp ủy, chính quyền địa phương tinh thần trách nhiệm chưa cao, chưa quyết liệt trong triển khai. Một số nơi còn có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, phát sinh thêm thủ tục hành chính dẫn đến những người thụ hưởng chính sách không còn nhu cầu. Một số người sử dụng lao động e ngại việc thanh, kiểm tra, liên đới trách nhiệm nên không chủ động tuyên truyền, hướng dẫn và lập danh sách đề nghị hỗ trợ.
Đồng tình với nhận định này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân) đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết riêng để khắc phục tình trạng "không dám hành động vì sợ sai". Theo đó, cán bộ được phép vận dụng hoặc lựa chọn các quy định của pháp luật phù hợp nhất, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế.
"Trước khi thực hiện phải lập kế hoạch hành động, trong đó chỉ rõ lý do vận dụng sáng tạo là gì và khác gì so với quy định hiện hành, báo cáo kế hoạch này với cơ quan có thẩm quyền", ông Cường nói.
Cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, phê duyệt kế hoạch đó để cán bộ thực hiện, nhưng việc phê duyệt phải dựa trên cơ sở khả thi, phù hợp thực tế, không trái với quy định. Việc thực hiện kế hoạch phải thường xuyên được kiểm tra, giám sát để điều chỉnh kịp thời.
Còn theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM), việc cán bộ né tránh trách nhiệm xuất phát từ thể chế. Trong giai đoạn dịch bệnh, cán bộ vừa làm vừa lo, cấp bách cứu dân và hỗ trợ doanh nghiệp thì phải làm mọi thứ nhưng lại sợ sai, sợ hậu kiểm.
Doanh nghiệp cũng rất muốn gói hỗ trợ vay vốn 2% nhưng lại sợ hậu kiểm và cơ hội đầu tư chưa thấy rõ nên chưa dám vay vốn. Ông kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sớm khắc phục những tồn tại này để xây dựng các gói hỗ trợ sát thực tiễn, phù hợp với thực tế phát sinh.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Huyết học và Truyền máu Trung ương) cũng lo ngại với tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm khi thực thi công vụ. "Nhân dân thấy rõ điều đó. Có người còn cho đó là đặc điểm nổi bật của cán bộ, công chức trong thời gian qua, thực sự đau và buồn", ông Trí nói, đề nghị các cấp Đảng, chính quyền "kỷ luật ai né tránh, sợ trách nhiệm" và ngược lại, khen thưởng kịp thời những ai dám nghĩ, dám làm.
Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường tháng 1/2022. Quy mô gói khoảng 350.000 tỷ đồng để chủ động phòng chống Covid-19 và hỗ trợ kịp thời cho phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Các chính sách gồm ưu đãi lãi suất 2%; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; miễn, giãn, giảm thuế VAT 2% với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; dự án đầu tư cơ sở hạ tầng từ chương trình phục hồi kinh tế...
Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 43, Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian thực hiện một số chính sách của gói phục hồi, như cho phép giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn từ gói phục hồi kinh tế sang năm 2025 thay vì cuối năm 2024. Chính sách giảm 2% thuế VAT với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 10% cũng được đề nghị kéo dài thêm 6 tháng, tới cuối 2024.