Ngày 3/11, ông Tùng cho hay một số tổ chức trong lĩnh vực liên quan đã gửi thư kiến nghị đến các đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Theo đó, dự Luật này có bảy vấn đề cần sửa đổi, bao gồm nội dung về công khai, công bố thông tin môi trường. Các chuyên gia cho rằng nội dung này cần được quy định triệt để hơn, xuyên suốt trong dự thảo Luật nhằm đảm bảo nguyên tắc thực thi quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Cùng với quy định về cơ quan có trách nhiệm công khai, nội dung công khai, dự Luật cần nêu rõ thời điểm và hình thức công khai; bổ sung chế tài xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này.
Ông Hoàng Dương Tùng cho hay, Luật hiện hành quy định cơ quan quản lý nhà nước công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường, tuy nhiên, dự thảo Luật (sửa đổi) lại giao cho doanh nghiệp chịu trách nhiệm về việc này và không nêu thời gian cụ thể.
"Không quy định thời gian sẽ khiến các doanh nghiệp dễ dàng lách luật. Họ có thể 10 năm mới đưa ra báo cáo đánh giá tác động cũng không sai", ông Tùng băn khoăn.
Ngoài ra, ông Tùng nói dự Luật cần công khai danh sách hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, qua đó nâng cao trách nhiệm của các thành viên trong hội đồng với quyết định phê duyệt.
Về diện tham vấn báo cáo đánh giá tác động môi trường, TS Tùng cho biết dự thảo Luật đang quy định tham vấn những người chịu ảnh hưởng trực tiếp, không đề cập đến các tổ chức, cá nhân gián tiếp vốn quan tâm hoặc chịu ảnh hưởng của dự án.
"Ví dụ một dự án ở Hà Giang, khi lấy ý kiến của người dân nơi đây nhưng do hạn chế về hiểu biết thì họ làm sao có thể góp ý kiến", ông Tùng nói và cho rằng vấn đề môi trường có tính liên vùng, những người ở nơi khác cũng có thể chịu ảnh hưởng nên cần được lấy ý kiến.
Liên quan đến các kiến nghị nêu trên, trong hội thảo về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tối 2/11, ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, nói việc tham vấn cộng đồng trực tiếp có nhiều hạn chế, đa phần làm theo thủ tục, thực tế chưa đóng góp cho dự án tốt hơn.
"Bên cạnh trao đổi với cộng đồng trực tiếp, cần phải lấy thêm ý kiến của những người có kiến thức, hiểu biết. Cơ quan quản lý phải tham khảo ý kiến đóng góp của cộng đồng, doanh nghiệp để giúp dự án phát triển tốt, thấy được vấn đề để thẩm định", Bộ trưởng Hà nói và đề nghị ban soạn thảo chỉnh sửa nội dung này.
Ông Hà cũng cho rằng quá trình tham vấn cần lấy thêm ý kiến của những người trong vùng trong phạm vi bị ảnh hưởng của dự án. "Chẳng hạn như nhà máy rác Nam Sơn phải lấy ý kiến trong phạm vi 1.000 m tính từ hàng rào nhà máy, gồm nhiều xã chứ không chỉ nơi đặt nhà máy", ông Hà lấy ví dụ.
Về hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng nếu công khai danh sách sẽ không thể mời các chuyên gia tham gia hội đồng này.
"Kinh phí ngồi hội đồng chỉ một vài trăm nghìn, nếu gắn trách nhiệm với họ suốt đời thì người ta sẽ không làm", ông Hà nói và lý giải trách nhiệm cần gắn với cơ quan quản lý nhà nước, hội đồng chỉ là đơn vị tư vấn.
Về báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, Bộ trưởng Hà nói dự Luật giao cho doanh nghiệp chịu trách nhiệm công bố rộng rãi trong và ngoài nước. Còn vấn đề xác định thời gian công khai, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ cùng với đơn vị soạn thảo cân nhắc thêm.
Theo chương trình dự kiến, ngày 11/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).