Thảo luận trước Quốc hội về dự án Luật Di sản văn hóa sửa đổi, đại biểu Thạch Phước Bình (Phó đoàn Trà Vinh) nói tình trạng cổ vật quý, bảo vật quốc gia của Việt Nam bị thất lạc, mua bán ra nước ngoài xảy ra nhiều thời gian qua. Vì vậy, dự luật cần bổ sung điều khoản quy định cơ quan của Việt Nam tham gia các công ước quốc tế về di sản văn hóa, trong đó hiến chương, khuyến nghị về thu hồi các cổ vật bị tước đoạt, đánh cắp, xuất khẩu trái phép.
Ông Bình cũng đề nghị thành lập tổ chức chuyên trách nghiên cứu, tìm hiểu, lập hồ sơ cổ vật của Việt Nam bị đánh cắp trong các thời kỳ trước đây và hiện nay bị xuất khẩu trái phép ra nước ngoài. "Nhiều cổ vật quý của Việt Nam đang nằm trong các bảo tàng, bộ sưu tập tư nhân. Cần có quy định để chủ động đấu tranh thu hồi, tránh thụ động như thời gian qua", đại biểu góp ý.
Đại biểu tỉnh Trà Vinh cũng kiến nghị dự luật bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý nguồn lực tài chính, nhất là phân bổ ngân sách và huy động nguồn lực xã hội từ tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và xã hội để bảo vệ, phát huy và thu hồi cổ vật bị thất lạc.
Ông Đào Chí Nghĩa (Phó đoàn Cần Thơ) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu và cân nhắc quy định "bảo vật quốc gia thuộc sở hữu riêng". Hiện nay, bảo vật quốc gia là di vật, cổ vật có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. "Nếu bảo vật quốc gia được xác lập sở hữu riêng, tổ chức, cá nhân sẽ có quyền trao đổi, mua, bán, tặng cho, dẫn đến nguy cơ di sản bị đưa ra nước ngoài hoặc lạm dụng, sử dụng không đúng mục đích, ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia", đại biểu lo ngại.
Đại biểu Phạm Văn Hòa nhận thấy thực tế thời gian qua có tình trạng di vật, bảo vật quốc gia đặc biệt quan trọng nhưng bị thất thoát, thậm chí mua bán ra nước ngoài. Đây là vấn đề nhức nhối và thực tiễn đặt ra trong thời gian qua. Ông đề nghị Chính phủ và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch làm rõ quy trình, nguồn lực thu hồi các cổ vật này, đảm bảo khả thi trong thực tế.
Báo cáo tiếp thu giải trình trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết đã chỉnh lý dự thảo theo hướng quy định chặt chẽ nội hàm chuyển nhượng, mua bán, kinh doanh di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia để tránh có nhiều cách hiểu. Theo đó, bảo vật quốc gia là tài sản đặc biệt của quốc gia, không được chuyển quyền sở hữu dưới bất kỳ hình thức nào. Nhưng nếu bảo vật thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng thì được mua bán, trao đổi, tặng cho và để thừa kế ở trong nước.
Trường hợp mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng thông qua đấu giá thì thực hiện theo pháp luật về đấu giá tài sản. Khi chuyển quyền sở hữu, tổ chức, cá nhân phải thông báo bằng văn bản tới cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh.
Thủ tướng quyết định phương án thu hồi hoặc dùng ngân sách Nhà nước mua, đưa về Việt Nam di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Tổ chức, cá nhân mua, đưa di vật, cổ vật và bảo vật về Việt Nam để lưu giữ, trưng bày không vì mục đích lợi nhuận được hưởng chế độ ưu đãi về các loại thuế.
Thời gian qua, cổ vật của Việt Nam liên tục bị chào bán ở nước ngoài. Tháng 10/2021, mũ quan triều Nguyễn đạt mức giá 600.000 euro (15,7 tỷ đồng) trong phiên đấu giá cổ vật tại Tây Ban Nha. Tháng 6/2022, bát ngọc được giới thiệu của vua Tự Đức đạt mức 845.000 euro (20,7 tỷ đồng) trong phiên đấu giá của Drouot. Cuối tháng 11/2022, hãng Millon của Pháp chào bán ấn Hoàng đế chi bảo của vua Minh Mạng với giá 2-3 triệu euro (48 đến 72 tỷ đồng). Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã đàm phán thành công để chuyển giao ấn về Việt Nam.
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án Luật Di sản văn hóa sửa đổi ngày 23/11.